Nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chịu hạn phục vụ sản xuất cà phê bền vững
15/04/24 08:22AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chịu hạn phục vụ sản xuất cà phê bền vững

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm dự án: ThS. Đinh Thị Tiếu Oanh

Các cá nhân tham gia dự án: ThS. Lê Văn Bốn, ThS. Lại Thị Phúc, ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai, KS. Trần Thị Bích Ngọc, ThS. Nguyễn Đình Thoảng, ThS. Vũ Thị Danh, TS. Hoàng Quốc Trung, ThS. Lê Văn Phi, KS. Nông Khánh Nương, KS. Trần Hoàng Ân, KTV Hạ Thục Huyền, KS. Nguyễn Phương Thu Hương, ThS. Tôn Thất Dạ Vũ, ThS. Đào Hữu Hiền

Thời gian thực hiện: 2017-2022

Kinh phí thực hiện: 5.200 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 2866/QĐ-BNN-KHCN ngày 27 tháng 07 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 05 tháng 08 năm 2022 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Đối với cây cà phê vối, đề tài đã chọn lọc được 18 cá thể con lai triển vọng có chất lượng cao, chịu hạn từ 12 tổ hợp lai được lai tạo năm 2018; 02 dòng vô tính cà phê vối: L4H6C4 và L4H15C1 có nguồn gốc từ các tổ hợp lai giữa giống nhập nội và giống thương mại trong nước. Xây dựng được 2 quy trình thâm canh cà phê vối bền vững áp dụng cho 2 dòng vô tính L4H6C4 và L4H15C1 tại các vùng trồng chính ở Tây Nguyên. Xây dựng được 2 mô hình giống mới từ 2 dòng cà phê vối L4H6C4 và L4H15C1 tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Năng suất vụ thu bói của 2 dòng vô tính L4H6C4 và L4H15C1 đạt trung bình lần lượt là 2,60 và 2,70 tấn nhân/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình tại Đắk Lắk tăng so với đối chứng là 28,7% ở dòng L4H6C4 và 63,3% ở dòng L4H15C1; tại Gia Lai, hiệu quả kinh tế tăng ở dòng L4H6C4 là 67,9% và ở dòng L4H15C1 là 51,1%.

Đối với cây cà phê chè, đề tài đã chọn được 2 tổ hợp lai F1 cà phê chè triển vọng nhất từ thí nghiệm so sánh 6 tổ hợp lai trồng năm 2018 là: THA1 x Bourbon và THA1 x Isla6-14, con lai F1 có ưu thế lai trên 10% về năng suất so với bố, mẹ. Chọn lọc được 24 cá thể con lai F2 nổi trội từ 2 tổ hợp lai, cây có sức sinh trưởng tốt, tán chặt, cành khỏe. Chọn lọc được 1 dòng nổi trội TN10 77-37 trong 5 dòng chọn lọc ở thế hệ F4 của con lai TN10.Tiếp tục đánh giá giống THA1 thông qua các mô hình chuyển giao trong sản xuất và mô hình kế thừa tính từ khi giống được công nhận sản xuất thử năm 2016. Xây dựng được 2 quy trình thâm canh bền vững áp dụng cho dòng cà phê chè TN10 77-37 và giống THA1 tại các vùng trồng chính. Xây dựng được 2 mô hình trồng dòng cà phê chè TN10 77-37 tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La. Cây sinh trưởng khỏe, cành dài hơn giống Catmor. Năng suất vụ thu bói của dòng TN10 77-37 đạt 1,70 - 2,05 tấn nhân/ha (trung bình 1,88 tấn nhấn/ha), hiệu quả kinh tế tăng từ 17,3 - 29,5% so với giống đối chứng.

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226701-02/GGN 22-11-118)