Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm rươi (Tylorrhynchus heterochaetus) quy mô hàng hóa
01/04/24 08:58AM
Chủ đề: Thủy sản

Tên dự án: Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm rươi (Tylorrhynchus heterochaetus) quy mô hàng hóa

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm dự án: ThS. Cao Văn Hạnh

Các cá nhân tham gia dự án: KS. Phạm Đăng Tuấn, KS. Phạm Văn Thức, CN. Nguyễn Thị Tho, ThS. Lê Minh Toán, ThS. Phạm Văn Hoàng, Vũ Văn Lưỡng

Thời gian thực hiện: 2019-2021

Kinh phí thực hiện: 7.600 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1897/QĐ-BNN-TCTS ngày 26 tháng 05 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 06 tháng 06 năm 2022 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Dự án hoàn thiện công nghệ và đã sản xuất được 25,86 triệu con giống >1cm/con. Kết quả dự án đạt được 5,39 tấn rươi thương phẩm. Cụ thể, đối với công nghệ sản xuất giống rươi, tỷ lệ sống từ ấu trùng đến con giống >1cm đạt trung bình từ 15,24-18,58%, trung bình đạt 17,08%. Đối với nuôi trong bể, kích cỡ rươi thu hoạch đạt từ 0,57-0,63g/con; tỷ lệ sống đạt từ 80,67-81,54%; năng suất nuôi đạt 1,10-1,13kg/m2, trung bình đạt 1,11kg/m2. Đối với rươi nuôi ở ao lót bạt, kích cỡ rươi thu hoạch đạt 0,842g/con; tỷ lệ sống đạt 81,92%; năng suất nuôi đạt 0,391kg/m2. Đối với rươi nuôi tại ruộng, kích cỡ thu hoạch đạt 0,914g/con; tỷ lệ sống đạt 75,69%; năng suất nuôi đạt 0,69 tấn/ha. Bên cạnh đó, một số vấn đề hoàn thiện công nghệ mà dự án đã giải quyết được trong nuôi vỗ rươi bố mẹ, xác định được chất bổ sung trong giai đoạn nuôi vỗ, xác định thành phần thức ăn thích hợp cho ấu trùng giai đoạn trôi nổi, xác định thức ăn thích hợp cho giai đoạn rươi xuống đáy, và xác định một số yếu tố môi trường và bệnh trong bể nuôi. Dự án cũng chỉ ra một số điểm mới về công nghệ như biện pháp kỹ thuật nuôi vỗ rươi đã góp phần tạo nguồn rươi bố mẹ cho sản xuất giống nhân tạo, chủ động và kéo dài được mùa vụ sản xuất giống ở những ở những thời điểm khác nhau trong năm. Trong thực tế sản xuất, mỗi hộ dân nuôi riêng theo một cách riêng, kỹ thuật nuôi chủ yếu học hỏi lẫn nhau hoặc tự học trong quá trình sản xuất, chưa có một quy trình hướng dẫn cụ thể. Dự án đã tổng kết, xây dựng được quy trình nuôi hoàn thiện sẽ giúp người dân có được phương pháp khoa học, kỹ thuật phù hợp để thực hiện.

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226685/GGN 22-10-111)