Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) hại ngô và biện pháp phòng chống
06/03/24 08:31AM
Chủ đề: Bảo vệ thực vật

Tên đề tàiNghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) hại ngô và biện pháp phòng chống

Tổ chức chủ trì: Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc- Cục Bảo vệ thực vật

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Dương Thị Ngà

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Trần Quyết Tâm; ThS. Đặng Thị Ngọc Kiếm; ThS. Hồ Thị Quỳnh Trang; ThS. Nguyễn Thị Hồng Giang; ThS. Nguyễn Mạnh Hùng; ThS. Đào Thị Lan Hương; ThS. Nguyễn Bá Hùng; ThS. Trần Ngọc Cảm

Thời gian thực hiện: 2020-2021

Kinh phí thực hiện: 450 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 2467/QĐ-BVTV- KH ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Cục Bảo vệ thực vật

Nghiệm thu: ngày 30 tháng 12 năm 2021 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Nghiên cứu cho thấy sâu keo mùa thu phát sinh gây hại trên ngô trong năm 2020-2021 tại thành phố Sơn La-Sơn La là có mật độ và tỷ lệ hại cao nhất sau đó đến Tam Nông-Phú Thọ và thành phố Hưng Yên- Hưng Yên có khoảng 6-7 cao điểm gây hại trong đó cao điểm gây hại cao nhất là vào cuối tháng 7- đầu tháng 8 sau đó đến cao điểm vào giữa tháng 2 và đầu tháng 3. Trong 3 vụ ngô trong hai năm 2020-2021, sâu keo mùa thu gây hại trên ngô Hè thu cao hơn trên ngô Xuân và ngô Đông. Mức độ gây hại của sâu keo mùa thu ở cả 3 vụ trên giống ngô thức ăn gia súc cao hơn trên giống ngô nếp và ngô ngọt. Đề tài đã xác định thời gian sinh phát dục và sức sinh sản của sâu keo mùa thu trong điều kiện nuôi ở nhiệt độ phòng và nuôi trong tủ định ôn.

Đề tài chỉ ra rằng trên đồng ruộng trứng và sâu non sâu keo mùa thu thường bị một số loài thiên địch ký sinh như: ong ký sinh trứng sâu keo mùa thu (Telenomus remus sp.), ong ký sinh trứng-sâu non (Microplitis manilae Ashmead, Chelonus sp.), nấm xanh Metarhizium anisopilae, nấm trắng Beauveria bassiana ký sinh ở pha sâu non và nhộng, Vi khuẩn Bacillus thuringiensis ký sinh sâu non. Trong đó tỷ lệ ký sinh trên giai đoạn trứng cao hơn trên giai đoạn sâu non, tỷ lệ ổ trứng bị ký sinh trung bình là 17,8%; tỷ lệ sâu non bị ký sinh là 6,5%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 18 giống ngô thí nghiệm có 3 giống có khả năng chống chịu được với sâu keo mùa thu là 6919S, 9955S, 6101 BGT. Biện pháp sử dụng biện pháp xử lý hạt giống bằng thuốc Fortenza duo 480 FS với liều lượng 6,0 ml/kg hạt có hiệu quả cao trong quản lý sâu keo mùa thu ở giai đoạn đầu (15-16 ngày sau khi gieo).  Thuốc có hoạt chất Spinetoram liều lượng 05 lít/ha là có hiệu quả phòng trừ sâu keo mùa thu cao nhất và kéo dài 20-25 ngày, sau đó đến thuốc có hoạt chất Emamectin benzoate + Indoxacarb. Trước khi gieo 1-2 ngày nên đặt bẫy bả chua ngọt với mật độ 100 bẫy/ha để thu bắt trưởng thành sâu keo mùa thu làm hạn chế sự gây hại của sâu ngay từ đầu vụ và giảm được 1-2 lần phun thuốc so với ruộng không được đặt bẫy bả chua ngọt.

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226267/GGN 22-01-010)