Nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống và kỹ thuật thâm canh ổi không hạt phục vụ phát triển sản xuất tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng
08/09/14 08:46AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống và kỹ thuật thâm canh ổi không hạt phục vụ phát triển sản xuất tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng

Cơ quan chủ trì: Viện Nghiên cứu rau quả

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đào Quang Nghị

Thời gian thực hiện đề tài: 2009-2011

 

Kết quả nghiên cứu:

 

            Trong số các giống khảo nghiệm, giống ổi OTL và OĐL1 tuy có số hoa và tỷ lệ đậu quả thấp hơn so với đối chứng nhưng khối lượng quả lớn: 285,5g (giống OTL) và 295,8g (giống OĐL1), mẫu mã đẹp, vỏ quả chín có màu vàng nhạt đến vàng nhạt hơi xanh. Năng suất đạt được của giống OTL ba năm tuổi trồng ở Thái Bình và Hà Nội đạt được là 21,4 kg/cây, bằng 133,8% so với đối chứng; giống OĐL1 có năng suất đạt được là 24,1 kg/cây, bằng 150,6 so với đối chứng. Đặc biệt, quả của giống OTL hoàn toàn không có hạt và giống OĐL1 có hạt tương đối mềm so với giống đối chứng (tỷ lệ hạt chỉ chiếm 4,2% so với khối lượng quả). Mặt khác, chỉ tiêu về chất lượng quả không có sự khác biệt nhiều so với đối chứng. Đây là những đặc điểm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay.

            Trong các phương pháp ghép ổi, phương pháp ghép đoạn cành cho tỷ lệ ghép sống cao nhất; 88,0% sau rồi mới đến công thức ghép mắt nhỏ có gỗ: 75,3%. Khả năng sinh trưởng của cành ghép ở công thức ghép đoạn cành là tốt nhất, đạt 26,3cm sau ghép 60 ngày. Thời điểm ghếp trong năm vào tháng 6 và tháng 8 cho tỷ lệ sống đạt 84 và 90%, cao hơn nhiều so với các công thức khác. Khả năng sinh trưởng của cành ghếp nhanh nhất. Sau bật mầm 60 ngày, chiều dài cành ghép đạt được là 24,7 cm (ghép tháng 4) và 28,6 (ghép tháng 6).

            Công thức bón 150g Ure+ 200g  supelan +150g kaliclorua làm cho cây 1 năm tuổi sinh trưởng nhanh nhất: các đợt lộc có kích thước trung bình: 19,2cm về chiều dài, 0,74cm về đường kính; chiều cao cây đạt được 102,5cm và đường kính gốc là 2,3cm. Công thức bón 250 g ure+ 350g  supelan +250g kaliclorua cho các giá trị cao nhất về tỷ lệ cành ra hoa (81,5%), tổng số quả /cây (88,3quả), khối lượng quả (288,3g) và năng suất (25,5 kg/cây).

            Hai loại thuốc Supracide 25 EC và Bian 40EC có hiệu quả trị rệp sáp Chloropulvinaria psidii cao. Tuy nhiên, khuyến cáo nên sử dụng Bian 40EC bởi thuốc Bian 40 EC có độc tính thấp hơn (nhóm 3) so với Supracide 25 EC. Với số lần phun score 250EC 5 lần, cách nhau 1,5 tháng đã khống chế được hoàn toàn bệnh thán thư do Colletotrichum gloeosporioides gây ra trên quả. Với tỷ lệ bệnh từ 0,5-1,0%, có thể chấp nhận được số lần phun thuốc là 4 lần. Xử lý GA3 và α-NAA có ảnh hưởng rõ ràng đến tỷ lệ đậu quả của ổi, làm tăng tỷ lệ đậu quả, tăng khối lượng quả và làm năng suất tăng 45 và 36% so với đối chứng.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20101378)