Ứng dụng di truyền phân tử, di truyền số lượng phục vụ chọn giống nâng cao sinh trưởng cá chẽm (Lates calcarifer)
27/12/21 04:15PM
Chủ đề: Thủy sản

Tên đề tài: Ứng dụng di truyền phân tử, di truyền số lượng phục vụ chọn giống nâng cao sinh trưởng cá chẽm (Lates calcarifer).

Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Trương Hà Phương

Các cá nhân tham gia: TS. Lê Văn Chí; TS. Thái Thanh Bình, ThS. Nguyễn Văn Dũng, ThS. Phạm Trường Giang, KS. Nguyễn Khắc Đạt, ThS. Võ Đức Huy, ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng, ThS. Lương Trọng Bích

Thời gian thực hiện: 2013-2018

Kinh phí thực hiện: 5.400 triệu đồng

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả nghiên cứu cho thấy các đàn cá nhập nội tăng trưởng và đạt tỷ lệ sống tốt sau khi đánh dấu và nuôi lớn (>81%). Đàn cá Thái Lan (91%) và đối chứng (89%) có tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với đàn cá Indonesia (81%). Xác định phương trình thể hiện mối tương quan giữa chiều dài và khối lượng các quần đàn cá Thái Lan, Việt Nam và Indonesia tương ứng.

Đề tài đã ghép cặp và cho sinh sản 76 gia đình thế hệ G1 và 68 gia đình thế hệ G2. Hiện đàn cá này (760 cá thể; >3-8kg/cá thể) được lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang.

Nghiên cứu cũng cho thấy môi trường ảnh hưởng lớn đến tính trạng tăng trưởng của cá chẽm (nuôi bể xi măng và nuôi trong lồng biển). Hệ số di truyền ước tính dao động từ 0,12 – 0,78 đối với tính trạng khối lượng và từ 0,41 – 0,85 đối với tính trạng chiều dài cá. Ảnh hưởng cá thể mẹ dao động từ 2 – 22% so với tổng số các yếu tố ảnh hưởng đến tính trạng khối lượng và chiều dài của cá chẽm. Các tính trạng cơ thể ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau trong quần đàn này là khác nhau về mặt di truyền. Tương quan di truyền giữa tính trạng khối lượng và chiều dài có giá trị khá cao (0,85 – 0,99). Hiệu quả chọn lọc (%) đối với tính trạng khối lượng dao động từ 9,64 - 11,02%.

Kết quả truy suất phả hệ G1 bằng bảy chỉ thị microsatellite khá cao (~80,4%) tỷ lệ cá con được xác định chính xác vào một trong 72 gia đình với bố mẹ riêng rẽ, với mức mismatch cho phép lên đến 2. Ngoài ra có 19,3% số cá thể con được xác định là có nhiều hơn một cặp bố mẹ và 0,3% cá thể không xác định được gia đình.

Kết quả phân tích phân tích xác định huyết thống của các cá thể con thuộc 68 gia đình ở thế hệ G2 đạt được khá cao (~87.8%). Ngoài ra có 12,1% số cá thể con được xác định là có nhiều hơn một cặp bố mẹ và 0,1% cá thể không được xác định được gia đình.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- (20-12-222))