Các địa phương mở rộng tiêu thụ sản phẩm OCOP trong siêu thị
17/11/22 10:40AM
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến nay nhiều địa phương đã bình xét và công nhận rất nhiều sản phẩm đạt OCOP đạt từ 3-4 sao, tuy nhiên, việc tiêu thụ những sản phẩm OCOP này vẫn còn hạn chế. Đưa các sản phẩm này vào hệ thống siêu thị để mở rộng kênh phân phối đang là một hướng đi để tiêu thụ sản phâm OCOP này
Đưa sản phẩm OCOP quảng bá ở các địa phương

Vừa qua tại Hà Nội, 26 doanh nghiệp Nghệ An tham gia giới thiệu 46 dòng sản phẩm thực phẩm, dược liệu, tinh bột và ngũ cốc khô, thủ công mỹ nghệ, trong “Tuần hàng quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2022”.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An tham quan gian hàng tại Lễ khai mạc. Ảnh: Thái Tuấn

Nghệ An tham gia Tuần hàng quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2022 với sự góp mặt của 26 doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Phong, Hợp tác xã tương Sa Nam, Công ty Tập đoàn BOMETA, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An…; với 46 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, tinh bột và ngũ cốc khô.

Đây là những sản phẩm đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh lựa chọn, có đầy đủ chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận OCOP theo quy định.

Đến nay, Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó, có 40 sản phẩm đạt hạng 4 sao, có 208 sản phẩm đạt 3 sao và 01 sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm OCOP Nghệ An được đánh giá rất dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị sản phẩm được gia tăng qua từng năm, được người tiêu dùng tín nhiệm và ưa chuộng.

Ông Hồ Phi Triều - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thông qua Tuần hàng quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố lần này, Nghệ An mong muốn giới thiệu, quảng sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế; tìm kiếm cơ hội, kết nối, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà phân phối, đơn vị cung ứng trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngày 4/11, Sở Công thương Hà Tĩnh tổ chức Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh tại Hà Nội. Chương trình kéo dài đến ngày 7/11 tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long (Hà Nội).

Nghi thức khai mạc tuần hàng tại Hà Nội

Đây là lần đầu tiên, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chuỗi sự kiện có quy mô lớn với trên 40 gian hàng đặc sản của tỉnh, nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc sản có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh đến với người dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Một số sản phẩm tiêu biểu được giới thiệu gồm các sản phẩm nhung hươu chế biến; nông-hải sản, bánh kẹo, trầm hương, hương, gỗ mỹ nghệ và song mây mỹ nghệ,…

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa đánh giá: “Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tại Hà Nội lần này là cơ hội để tỉnh giới thiệu tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là quảng bá hình ảnh, thương hiệu các đặc sản của tỉnh đến với người tiêu dùng Thủ đô và du khách trong và ngoài nước, đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kết nối, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững, đúng định hướng quy hoạch và chiến lược”.

Còn hạn chế

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), từ năm 2019 đến 2021, tỉnh Quảng Trị xây dựng được 91 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Thời gian qua, các chủ thể OCOP đã nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì và tìm giải pháp đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được bày bán còn khá hạn chế.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày giới thiệu tại siêu thị Co.opmart - Đông Hà trong khuôn khổ chương trình kết nối sản phẩm OCOP cấp tỉnh phân phối vào hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh - Ảnh: T.T

Theo đại diện siêu thị Co.opmart - Đông Hà, mới chỉ có khoảng 20 sản phẩm OCOP của địa phương được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, gồm các mặt hàng như tinh bột nghệ, cà phê, dầu đậu phụng, bơ đậu phụng, dầu mè, tinh dầu... Nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ nông sản địa phương lên kệ siêu thị còn hạn chế như hiện nay là do chưa đáp ứng các yêu cầu đối với hợp đồng cung ứng hàng hóa vào siêu thị.

Theo đó, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tem nhãn được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn phải đảm bảo lượng hàng hóa ổn định và chấp thuận các điều khoản thanh toán đặt ra như mức chiết khấu, phương thức thanh toán (thường áp dụng nhập lô sau trả lô trước) và tham gia vào chuỗi các sự kiện khuyến mại, giảm giá theo chiến lược kinh doanh của siêu thị.

Nguyên nhân sản phẩm OCOP đưa vào siêu thị để bày bán còn hạn chế được Chị Trần Thị Lan, chủ Cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch Trần Lan cho biết: “ Khó khăn của cơ sở trong việc kết nối đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở siêu thị là phải hoàn thiện yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, kiểm định sản phẩm và đặc biệt là hoàn thiện dây chuyền sản xuất đảm bảo về mặt số lượng sản phẩm cung ứng.

Cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch Trần Lan (Triệu Phong) do chị Trần Thị Lan làm chủ hiện sản xuất, chế biến và kinh doanh 12 sản phẩm làm từ nông sản sạch, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP bao gồm: bánh cốm gạo lứt, bột gừng sấy lạnh và ngũ cốc cao cấp.

Ngoài việc tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, hiện có 5 mặt hàng nông sản của cơ sở được trưng bày ở các cửa hàng nhỏ, hệ thống bán sản phẩm của Bưu điện tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, riêng đối với hệ thống siêu thị Co.opmart - Đông Hà, sau 5 năm kết nối và làm hồ sơ, đến nay sản phẩm nông sản của cơ sở Trần Lan vẫn còn thiếu một số tiêu chí để vào được gian hàng tại siêu thị này.

Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đông Hà Hồ Thị Thanh Duyên cho biết: “Siêu thị có bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên kiểm tra bao bì, nhãn mác, hợp đồng cung ứng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... được đưa vào bày bán tại siêu thị. Thực tế, một số cơ sở sản xuất chưa nắm được quy định khi đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại siêu thị, do đó chưa đáp ứng yêu cầu. Ví dụ như quy định trên nhãn mác sản phẩm ghi hạn sử dụng 12 tháng thì phải có hồ sơ chứng nhận cụ thể chứ không thể ghi ước lượng tùy tiện...

Chúng tôi cũng đã phối hợp đơn vị chức năng hướng dẫn các chủ thể sản xuất tuân thủ đúng các quy định để có thể phân phối nhiều hơn sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng”.

Bên cạnh đó, trong chuỗi sản phẩm OCOP vẫn còn một số sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng, số lượng sản xuất ít, chưa có nhãn mác thương hiệu, chủ yếu xuất bán dưới dạng sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Việc xúc tiến thương mại còn gặp nhiều khó khăn do chưa có giải pháp phát triển thương hiệu và đầu ra ổn định cho hàng OCOP.

Đưa sản phẩm OCOP của các địa phương vào kênh tiêu thụ tại các siêu thị là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên các sản phẩm OCOP này rất cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc trưng bày và bán tại các siêu thị, vừa đảm bảo được thẩm mỹ, vừa đảm bảo được các yêu cầu về bảo quản, bảo đảm vệ sinh anh toàn thực phẩm thì cần phải được các cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ để thực hiện việc này. 

 

Theo: KTNT