Cần có thời gian vàng để khôi phục kinh tế
05/10/21 03:34PM
Ngày 1/10, diễn ra Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Bức tranh kinh tế Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): dự báo kinh tế quý IV-2021 và triển vọng năm 2022”. Nhiều đại biểu đã đưa ra giải pháp để khôi phục kinh tế khi dịch cơ bản được khống chế.

GDP quý III giảm

Theo VCCI Cần Thơ, dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã và đang diễn ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam khiến nhiều tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đình trệ sản xuất và đã ảnh hưởng đến tồn tại, phát triển của doanh nghiệp (DN) và kinh tế cả nước. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Số DN rút khỏi thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới. Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 117,8 ngàn DN gia nhập thị trường, trong đó, số DN thành lập mới là 85,5 ngàn DN, giảm 13,6%. Cũng trong 9 tháng năm nay, có 90,3 nghìn DN rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn DN), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất, kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

 Toàn cảnh hội nghị.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước, đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động bởi dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,04 tỷ USD (giảm 40,61%), nhập khẩu đạt 930 triệu USD (giảm 22%) so với tháng 7/2021.

ĐBSCL có 2.109 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 23,70%), 4.557 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 58,12%). Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường của cả nước cũng như ở khu vực ĐBSCL đang ngày một gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương. Việt Nam đang có nguy cơ lỡ nhịp chuỗi cung ứng toàn cầu khi các thị trường lớn đang trong quá trình phục hôi kinh tế nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng ĐBSCL, con số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Ngoài ra, các doanh nghiệp duy trì hoạt động “3 tại chỗ” chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất, trong khi chi phí rất cao. Tuy đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương 1,42%.

Khôi phục phát triển sản xuất là yêu cầu sống còn

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, mở cửa để doanh nghiệp hoạt động trở lại trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu cấp bách. 100 ngày tới là thời gian vàng để khôi phục kinh tế. Việt Nam đã mở cửa khởi động nền kinh tế. Cần nhanh chóng hoàn thành “cẩm nang” trong bối cảnh bình thường mới để các doanh nghiệp phát triển kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL bị đóng cửa vì dịch Covid-19.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khôi phục phát triển sản xuất là yêu cầu sống còn. Không thể tiếp tục để một vùng đất nhiều tiềm năng như ĐBSCL phải chứng kiến cảnh thủy sản, lúa gạo, trái cây không có thương lái đến mua, doanh nghiệp thì thiếu nguyên liệu, thiếu công nhân, giao thương ách tắc.

Tổng Giám đốc VOV nhấn mạnh, chúng ta có thị trường trong nước gần trăm triệu dân, chúng ta có mối bang giao kinh tế ngày càng rộng mở, được quốc tế tin cậy, với nhiều hiệp ước kinh tế, thương mại, đầu tư đa phương thế hệ mới đã và sẽ tiếp tục có hiệu lực. Và quan trọng là chúng ta có một cộng đồng doanh nghiệp đầy khát vọng vươn lên. Những nền tảng này và bằng những việc làm cụ thể vừa qua của toàn hệ thống chính trị, chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta với nhiều thành phần khác nhau nhất định sẽ cùng vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng nên một Việt Nam giàu mạnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định, mở cửa là cứu cánh để chúng ta có thể phục hồi nền kinh tế. Nếu mở cửa và thích ứng an toàn thì đầu tháng 10 mở cửa thì đến giữa tháng 10 các doanh nghiệp có thể quay trở lại sản xuất và tăng trưởng quý IV có thể tăng 3,5% và cả năm khoảng 2,1%. Tuy nhiên, nếu như mở cửa không bền vững thì các tập đoàn đa quốc gia sẽ chuyển đơn hàng sang nước khác.

Các tỉnh, thành phía Nam đang từng bước khống chế được dịch bệnh và mở cửa lại kinh tế, cho doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Đây là giai đoạn rất quan trọng để phục hồi kinh tế. Tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh, lãnh đạo các địa phương cần loại bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ. Kiên định mở cửa kinh tế, các doanh nghiệp cần có phương án chuẩn bị tốt cho sản xuất, quá trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế cần thực hiện nhanh và đồng bộ các gói hỗ trợ. Qua đó, giúp doanh nghiệp tăng sức chống chịu trước các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cùng biến đổi khí hậu.

Trong đó, ngành thuỷ sản bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh, sự hồi phục của kinh tế của TP. HCM sẽ là động lực quan trọng trong nền kinh tế vùng ĐBSCL và cả nước, để kết nối với thế giới. Các địa phương cần có kịch bản mở cửa kích hoạt kinh tế địa phương một cách linh hoạt.

Cần phải thay đổi tư duy

Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nếu chỉ liên kết vùng thôi vẫn chưa đủ mà cần phải thay đổi tư duy xem các tỉnh khu vực ĐBSCL là một thực thể kinh tế chung của 13 tỉnh chứ không phải là 13 mảnh riêng lẻ ghép lại. Hay nói cách khác, cần xem ĐBSCL là một không gian kinh tế rộng lớn.

Thay đổi tư duy thứ hai là từ không gian phát triển đó sẽ tạo nên sự thẩm thấu, động lực để tạo “tam giác phát triển” là thể chế nhà nước, thị trường và xã hội có sự gắn kết chặt chẽ. Thứ ba là chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang tư duy tích hợp đa ngành, liên ngành đa giá trị. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp; nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp tuần hoàn… Đây là những mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ để phát triển kinh tế ĐBSCL trong thời gian tới.

Để hiện thực hóa rất cần sự vào cuộc của các tập đoàn lớn có tiềm năng, sự thay đổi của lãnh đạo các địa phương trong khu vực. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang đàm phán hướng đến xây dựng được hệ thống hạ tầng logistics từng cấp cho nông thôn ĐBSCL, Bộ trưởng Hoan cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Hoan, để các doanh nghiệp bắt tay vào việc khởi động lại hoạt động sản xuất cần có không gian phát triển cho cả vùng. Điều cần thiết hiện nay là lãnh đạo các địa phương cần hành xử khéo léo và linh hoạt cùng ngồi lại đối thoại với doanh nghiệp để tìm giải pháp mở rộng không gian phát triển cho cả vùng.

Nguồn: KTNT