Liên kết sản xuất để giảm nghèo bền vững ở Tùng Vài
10/11/20 10:21AM
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, làm tiền đề bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, xã Tùng Vài (Quản Bạ, Hà Giang) đã bước đầu hình thành mô hình liên kết sản xuất, từ đó chung tay xóa đói giảm nghèo bền vững.

Nhận thấy số lượng thanh niên nông thôn làm ăn xa quê ngày càng gia tăng, chính quyền xã Tùng Vài luôn trăn trở làm sao thu hút lực lượng này ở lại quê hương phát triển kinh tế, tham gia hoạt động đoàn, hội để hỗ trợ giảm nghèo. Để giải quyết được khó khăn này thì phải hỗ trợ họ việc làm, thu nhập... Chính vì vậy, xã đã cùng Đoàn Thanh niên kêu gọi các bạn trẻ cùng nhau kết nối thành lập Tổ hợp tác (THT) để phát triển kinh tế. Và THT sản xuất thanh niên Tùng Vài lá ví dụ điển hình.

Khi thanh niên làm kinh tế

Các thành viên tập trung vào chăn nuôi vịt xám và gà xương đen theo hình thức bán chăn thả. Đây đều là những gia cầm dễ nuôi, đẻ tốt và phù hợp với khí hậu lạnh như ở Tùng Vài. Để đàn vịt, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu được các thành viên tận dụng là ngô nương. Ngoài ra là tích cực vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, việc phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm được kiểm tra thường xuyên...

Theo kế hoạch, mỗi tuần, THT phân công 1 thành viên chăm sóc đàn vật nuôi và mỗi tháng các thành viên họp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau thảo luận hướng phát triển mới. Các thành viên cùng tạo ra mối liên kết trong sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật để cùng phát triển và thu hút nhiều thanh niên tham gia nhân rộng mô hình.

vit-xam-2-2265-1604652792.jpg

Chăn nuôi theo hướng hàng hóa là lựa chọn của thành viên HTX Tùng Vài

Hiện, HTX phát triển trên 1.000 con vịt xám, nhờ chăn nuôi khoa học, trung bình mỗi con vịt có trọng lượng khoảng 3,6kg. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, THT thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Ngoài ra, THT có trên 1.000 con gà xương đen, mỗi con khi xuất chuồng có trọng lượng trên 2kg, giá bán luôn trên 150 nghìn đồng/kg.

Khi tham gia THT, các thành viên được tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ trong sản xuất, kinh doanh. 5 thành viên của HTX đều có thu nhập khá, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo đánh giá của UBND xã, THT Tùng Vài là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, thu hút và hỗ trợ vốn cho các đoàn viên, thanh niên nghèo, khó khăn có ý chí vươn lên làm giàu. Đây còn là nơi để đoàn viên, thanh niên được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo

Không chỉ THT Tùng Vài, đến nay, xã đã hình thành được các mô hình có tiềm năng phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: THT thanh niên thôn Bản Thăng nuôi trên 600 con vịt bầu cổ ngắn; mô hình sản xuất của HTX Suối Vui kinh doanh phân bón, chế biến chè, vật liệu xây dựng hay mô hình tổng hợp về chăn nuôi và sửa xe máy…

Anh Nguyễn Cao Chiến, Giám đốc HTX Suối Vui, cho biết HTX đang thu hút được 17 thành viên. Công suất chế biến đạt khoảng 8 tấn chè tươi/ngày, trong đó chè sản xuất theo quy trình qua máy sao, vò đạt 3 tấn/ngày. Ngoài xuất bán cho các thương lái, HTX còn xuất khẩu sang Trung Quốc giúp mang lại nguồn thu gần 1 tỷ/năm.

HTX Suối Vui không chỉ tạo được mối liên kết giữa người dân, phát triển vùng chè nguyên liệu truyền thống mà còn giúp hàng chục hộ gia đình có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần vào quá trình giảm nghèo bền vững.

Tung-Vai-2616-1604652793.jpg

Nhờ đẩy mạnh giảm nghèo, diện mạo xã Tùng Vài đã đổi thay những năm gần đây.

Theo thống kế của UBND xã, Tùng Vài có khoảng 1.000 hộ, với trên 4.000 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 5 năm qua, tranh thủ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, triển khai nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hỗ trợ người dân sản xuất. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 70% (năm 2015) xuống còn 39% vào cuối năm 2019 và dự định sẽ tiếp tục giảm còn 36% vào cuối năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 là 21 triệu đồng/người/năm và dự tính sẽ tăng lên 24 triệu đồng vào cuối năm 2020.

Tuy đã đạt được những kết quả trong giảm nghèo nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở Tùng Vài còn cao. Nguyên nhân là do đặc thù xã biên giới nên điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kết nối giao thương cũng như tiếp cận các nguồn vốn nhưng vì thủ tục vay khá phức tạp nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc người dân phát triển kinh tế.

Trong thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên cũng như các tổ chức hội, đoàn thể tích cực tham gia phong trào khởi nghiệp, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Song song đó, xã sẽ nhân rộng các mô hình để nâng cao hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.

Như Yến/Theo KTDN