Mô hình sản xuất hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị nông sản
28/02/23 09:05AM
Châu Thành là huyện nằm phía Nam tỉnh Đồng Tháp, có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các vùng trồng trái cây chủ lực của Châu Thành vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết để hình thành các mô hình sản xuất lớn nên hiệu quả kinh tế chưa như mong đợi.
Với mong muốn hỗ trợ Châu Thành khai thác tốt lợi thế, Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - Chi nhánh phía Nam phối hợp với HLV tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Châu Thành tổ chức buổi tọa đàm giao lưu kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Châu Thành có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 40.900ha. Theo ông Võ Đình Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, các ngành hàng chủ lực, thế mạnh và tiềm năng của huyện là nhãn, sầu riêng, khoai lang…

Chị Lê Hoàng Phương Yến cho biết, doanh nghiệp cũng cần liên kết với địa phương để phát triển vùng nguyên liệu.

Cụ thể, Châu Thành hiện có 2.670ha nhãn (chiếm 35% diện tích cây ăn trái toàn huyện), tập trung ở vùng cồn xã An Nhơn và các xã An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hậu. Diện tích trồng khoai lang (chủ yếu là khoai lang tím Nhật - chiếm 85% diện tích) những năm trước trên 3.300ha/năm, sản lượng bình quân 82.500 tấn/năm, tập trung ở các xã Tân Phú, Phú Long và Hòa Tân. Năm 2022, dù diện tích trồng khoai lang giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Diện tích trồng cây sầu riêng (chủ yếu là giống Monthong, chiếm 70%; Ri 6 20%) cũng đạt trên 640ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng 11.520 tấn/năm. Vùng trồng tập trung ở các xã Phú Hựu, An Khánh, An Phú Thuận, thị trấn Cái Tàu Hạ…

Tuy nhiên, đại diện chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đều bày tỏ lo ngại về sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu bền vững của ngành nông nghiệp Châu Thành.

Anh Phạm Hữu Hiện (HTX An Hòa, xã An Nhơn) cho biết, người nông dân chủ yếu chạy theo thời vụ, có thời điểm canh tác ào ạt, thu hoạch hàng loạt nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, “nằm chất đống”, doanh thu thấp so với kỳ vọng vì tỷ lệ hao hụt, hư hỏng của trái cây khá cao, có lúc hơn 30%.

Lý giải điều này, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia nông nghiệp - cho rằng, nguyên nhân là do người dân chưa tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, chưa làm chủ được nguồn giống kỹ thuật; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn thấp, canh tác theo cảm tính… Do vậy, sản phẩm làm ra chưa đảm bảo chất lượng, chưa xây dựng được “đầu mối” tiêu thụ.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản an toàn An Hòa, cho biết, mỗi năm, HTX xuất khẩu nhãn Ido (nguồn gốc Thái Lan) đi Mỹ, Australia, Trung Quốc… từ 600 đến 1.000 tấn; tiêu thụ nội địa 7-15 tấn/ngày nhưng hiện nay doanh nghiệp chỉ mới có kho tạm và chưa có mã đóng gói nên gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị trường.

HTX đang sơ chế khoảng 10.000 tấn nhãn sấy khô/năm, tuy nhiên, chất lượng không như ý vì sử dụng hệ thống đốt lò cũ bằng củi, sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường,  rất cần các doanh nghiệp hỗ trợ khâu chế biến sâu.

Chị Nguyễn Ngọc Thúy, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu quốc tế NNT - doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán sỉ, bán lẻ và xuất - nhập khẩu trái cây, chia sẻ, hiện nay khâu đóng gói của các cơ sở thu mua - chế biến ở địa phương còn ở mức sơ khai, cần được cải thiện nhiều.

Cũng theo chị Thúy, các loại trái cây trồng ở Châu Thành rất chất lượng, ví dụ như nhãn có độ tươi ngon, đồng đều. Tuy nhiên, công tác thu hoạch cần được chú trọng hơn nữa. “Các nhà thu mua ở địa phương nên tuyển chọn những trái tương đồng về kích thước, ví dụ như chuẩn để tiêu thụ nội địa là các trái đường kính trên 20mm; còn nếu xuất sang thị trường Mỹ, Nhật hay châu Âu thì trái cây có kích cỡ từ 24mm trở lên. Việc lựa chọn kỹ sẽ giúp bán được sản phẩm giá cao hơn ra thị trường”, chị Thúy nói.

Nâng cao chất lượng

Chị Lê Hoàng Phương Yến, Giám đốc Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu Pico AgriViet, cho rằng, phát triển theo hướng hữu cơ sẽ giúp ngành nông nghiệp địa phương gia tăng giá trị nông sản.

Ông Phan Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành tại một vườn nhãn ở An Nhơn.

“Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn gia tăng nhanh, đặc biệt là đối với cư dân ở các đô thị lớn. Thị trường trong nước cũng rất tiềm năng với hơn 100 triệu dân” - chị Yến khẳng định - “Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất, nông hộ xây dựng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và bao tiêu sản phẩm nông sản nếu đạt chất lượng như cam kết”.

Ông Phan Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết, địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngành nông nghiệp huyện đang tập trung duy trì các mã số vùng trồng đã được cấp, thực hiện đăng ký cấp mới mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% diện tích cây ăn trái chủ lực có vùng trồng.

Bên cạnh đó, duy trì phát triển vùng nguyên liệu sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực đạt VietGAP, tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng đạt chất lượng an toàn thực phẩm, phát triển hoạt động bảo quản và chế biến nông sản thành những sản phẩm có gia tăng giá trị.

Hiện nay, hầu hết các vùng trồng trái cây chủ lực của huyện Châu Thành vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết để hình thành các mô hình sản xuất lớn; việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật còn hạn chế; năng suất, chất lượng, giá trị nông sản còn thấp, sản phẩm cung cấp ra thị trường chủ yếu dạng thô, sơ chế, chưa có nhãn hiệu, chưa đảm bảo tiêu chuẩn nông sản sạch nên hiệu quả kinh tế thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Ông Dũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, chuyên gia… đồng hành hỗ trợ ngành nông nghiệp huyện trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, giúp địa phương xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mã đóng gói, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại hướng đến đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, những hạn chế của ngành nông nghiệp địa phương chính là do thiếu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, người nông dân thiếu thông tin và doanh nghiệp sản xuất chưa có định hướng rõ ràng về chiến lược tiếp cận thị trường. Thời gian tới, Hội Làm vườn sẽ phối hợp với địa phương hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất, nông hộ liên kết với doanh nghiệp trong mọi quy trình sản xuất, từ đầu vào đến đầu ra, để ổn định sản lượng, chất lượng và giá cả nông sản, hàng hóa.

Các doanh nghiệp tham quan vườn nhãn của HTX Nông sản an toàn An Hòa.

Hội Làm vườn Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ địa phương phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, an toàn, mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, đa dạng kênh phân phối, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Châu Thành đang triển khai cấp mới 6 mã số vùng trồng nhãn với diện tích 159,7ha. Lũy kế đến nay tổng diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia là trên 431ha. Diện tích trồng khoai lang được cấp chứng nhận VietGAP là 23ha;  713 ha khoai lang đăng ký cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với 21 vùng trồng. Trên 380ha sầu riêng đã đăng ký hồ sơ cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với 17 vùng trồng.

 

 

Theo: KTNT