Mô hình trồng dưa công nghệ cao: Xóa nỗi lo đầu ra
22/09/22 10:57AM
Vẫn biết nghề nông là nghề “chân lấm tay bùn”, nhưng chị Đỗ Thị Thúy Hà vẫn quyết tâm đầu tư trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng

Chất lượng, ưu tiên hàng đầu

Đến thăm mô hình trồng rau, củ, quả sạch ứng dụng công nghệ cao của chị Đỗ Thị Thúy Hà (SN 1976), Giám đốc HTX Đầu tư phát triển sông Giá thuộc xã Kênh Giang (Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), chúng tôi thấy rõ được tâm huyết của chị với mong muốn sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao.

 

dưa-1.jpg
Chị Hà quyết tâm đưa nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao vào sản xuất.

 

Chị Hà chia sẻ: “Trước đây, tôi làm kinh doanh, buôn bán, sau đó với đam mê làm nông nghiệp sạch và mong muốn đóng góp sức mình cho việc phát triển quê hương, tôi về quê đầu tư trồng rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ, sử dụng nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt...”.

Ngay sau khi thuê gần 7.000m2 đất của chính quyền địa phương để tập trung sản xuất, chị Hà bắt tay vào cải tạo, lắp dựng 3.500m2 nhà lưới, xây dựng hạ tầng đường vòng quanh mô hình, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của HTX và các sản phẩm OCOP của địa phương, khu vực trải nghiệm cho khách tham quan... với tổng đầu tư hơn 6 tỷ đồng.

Quy mô mô hình trồng dưa lớn, số tiền đầu tư không hề nhỏ, bởi vậy, chị luôn áp dụng quy trình sản xuất dưa nghiêm ngặt từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Dưa lưới được trồng trong hệ thống nhà lưới hiện đại được quản lý bằng công nghệ, kiểm soát được ánh sáng, độ ẩm...

Theo chị Hà, trồng dưa không phải chỉ áp dụng theo công thức máy móc, mà phải có cả kinh nghiệm, đam mê, sản phẩm làm ra mới đạt chất lượng, năng suất. Một vụ dưa thường kéo dài 65-70 ngày, vụ dưa đầu tiên vừa trồng vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm mà sản lượng vẫn đạt trên 10 tấn, nay đang sản xuất vụ thứ 2, sản lượng dự kiến cao hơn. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu, hết đến đó.

 

dưa-2.jpg
Chị Đỗ Thị Thúy Hà, Giám đốc HTX Đầu tư phát triển sông Giá chia sẻ về quá trình bén duyên với nông nghiệp hữu cơ.

 

Hiện nay, tại HTX của chị Hà đang trồng các loại dưa như Bạch ngọc đường, Kim ngọc đường, Kim hoàng hậu... Sản phẩm dưa của HTX được bán tại vườn với giá trung bình 60.000 đồng/kg. Một năm, HTX trồng 4 vụ cây ăn quả ngắn ngày, trong đó 3 vụ chính.

Ngoài diện tích trồng dưa kể trên, HTX của chị Hà còn có gần 7.000m2 nông trại, khu nuôi trùn quế với diện tích 250m2 để cung cấp sản phẩm phân bón cho nông trại. Sản phẩm phân trùn sau khi được thu gom từ trang trại sẽ được đem về trộn với trấu, cám, xơ dừa, đất và một số chất khác để làm giá thể trồng cây.

Không chỉ vậy, HTX còn dành hơn 6.000m2 đất để chuyên sản xuất giống hoa cây cảnh các loại như mộc hương, nhài ba lá, mẫu đơn... cung cấp cho thị trường hoa, cây cảnh của TP. Hải Phòng.

Sản phẩm sạch, không lo đầu ra

Chị  Hà phấn khởi chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn khi sản phẩm của mình làm ra được thị trường đón nhận, thu hoạch đến đâu hết đến đó, hàng không đủ để cung ứng cho thị trường: “Thị trường bây giờ rất “khát” thực phẩm sạch, chỉ cần sản phẩm của mình sạch thì không khó để tìm đầu ra, khách hàng tự tìm đến mua, nhất là hiện nay người tiêu dùng Hải Phòng đang tìm kiếm những thực phẩm sạch. Sản phẩm dưa vàng của HTX vừa được Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, sản và thủy sản vùng I kiểm định theo định kỳ, tất cả các chỉ số liên quan (49 chỉ số) đều đạt chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu”.

 

dưa-3.jpg
Để phòng trừ sâu, bệnh, chị Hà sử dụng chế phẩm vi sinh.

 

Theo chị Hà, sản phẩm làm ra muốn sạch thì quy trình sản xuất phải đảm bảo an toàn, không tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Chị đang xử lý sâu bệnh bằng chế phẩm vi sinh và tự tin về sản phẩm mình làm ra đảm bảo sạch, các chỉ số trên quả dưa khi đưa vi sinh vào phòng trừ sâu bệnh không để lại tồn dư, quả dưa còn ngon hơn bình thường. Trong vi sinh có hương xạ, qua mỗi vùng đất khác nhau lại có một hương vị khác nhau.

Để chủ động phòng trừ sâu bệnh, chị Hà mua vi sinh gốc từ các phòng nghiên cứu vi sinh về nhân giống. Để nhân giống vi sinh, cán bộ phụ trách của HTX sẽ dùng các chế phẩm như nước đường vàng, cám gạo, kết hợp chất khác như tinh dầu xả... Mỗi loại vi sinh sẽ sử dụng để phòng trừ một loại sâu bệnh khác nhau.

Để phòng trừ sâu bệnh bằng vi sinh mang lại hiệu quả cao nhất cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc cơ bản như: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách. Trong quá trình canh tác, cán bộ HTX liên tục theo dõi sự phát triển của cây, các loại sâu bệnh phát sinh và báo lại cho cán bộ kỹ thuật của đơn vị nghiên cứu, cung cấp giống vi sinh để điều chỉnh sao cho phù hợp.

Dự định tới đây, chị Hà sẽ mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến xuất khẩu, xây dựng hệ thống gian hàng trưng bày, bán sản phẩm nông nghiệp, OCOP, thu mua tiêu thụ nông sản giúp nông dân. Mô hình trồng dưa công nghệ cao đã ảnh hưởng tích cực đến tư duy của người dân, mình có thể sản xuất ra được những sản phẩm sạch, an toàn, không sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh hóa học.

  Theo: KTNT