Mô hình VAC thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm
06/06/22 03:13PM
Thực hiện kế hoạch công tác, trong tháng 5/2022, Ban Thường vụ và Thường trực Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội, nhất là phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại.

Trên địa bàn tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình VAC cho hiệu quả kinh tế cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Sản xuất ổn định và thu lãi cao

Năm 2013, gia đình Nguyễn Thị Làn ở thôn Đồng Đông (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành)  đấu thầu hơn 2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) đất bãi của địa phương để trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình VAC. Chị đào hơn 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) làm ao nuôi cá. Khu nuôi gia súc, gia cầm xây dựng cao ráo, cách xa khu nhà ở gần 1.000m. Chị tìm mua và trồng các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế, có đầu ra ổn định như mít Thái, ổi, táo, đu đủ,… Mỗi năm gia đình chị xuất bán hơn 100 con lợn thương phẩm, hơn 2 nghìn con gà thịt và trên 2 tấn cá các loại.

Đến nay, 60 gốc mít Thái, trên 40 gốc ổi, đu đủ và chuối tây,  táo trồng ở đất bài đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi 120-150 triệu đồng.

Tương tự, trang trại của ông Đàm Thuận Tình ở xã Hương Mạc (TP. Từ Sơn) nằm trên khoảnh đất rộng gần 2ha,  đang thả nuôi 500 con vịt đẻ siêu trứng, trừ chi phí, thu lãi khoảng 20 triệu đồng/năm. Ở góc vườn là khu chăn nuôi gà thịt, với 500 con, mỗi năm hai lứa cho thu nhập tương đối ổn định, khoảng 140 triệu đồng/năm.

trang-trại-của-ông-nguyễn-văn-đẩu-tại-xã-nghĩa-đạo-thuận-thành-bắc-ninh.jpg
Trang trại của ông Nguyễn Văn Đẩu tại xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành.

Ngoài ra, với 3000m2 đất vườn, ông Tình trồng 200 khóm chuối, 300 cây đu đủ, hiện đã cho thu hoạch. Chỉ tính riêng đu đủ, mỗi năm ông thu hoạch trên 3 tấn quả, bán được trên 30 triệu đồng. Với 4 mẫu đất còn lại, mỗi năm ông Tình cấy một vụ lúa tẻ và một vụ lúa nếp cái hoa vàng. Ngoài công làm đất do máy cày của gia đình chủ động, trừ chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và công cấy, công gặt…,  ông có thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Hướng đến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn

Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh Nguyễn Xuân Vững cho biết, trong tháng 5, Hội đã triển khai kế hoạch phối hợp với các ngành và kế hoạch tập huấn kỹ thuật sản xuất VAC năm 2022. Đồng thời, phối hợp với Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn cho gần 100 hội viên; phổ biến về các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ xuân năm 2022.

“Đặc biệt, Hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện hội thảo khoa học năm 2022: Tăng cường các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm giúp các chủ trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn”, ông Vững cho biết.

Bên cạnh đó, trong tháng 5, các cấp Hội đã tổ chức được 12 cuộc tập huấn kết hợp với tuyên truyền cho 1135 lượt hội viên về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát động phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc.

Trong tháng 6 tới, Hội sẽ tiếp tục hướng dẫn chủ trang trại sản xuất lớn, doanh nghiệp nông nghiệp, HTX hoàn chỉnh dự án và hướng dẫn các doanh nghiệp, trang trại xây dựng dự án sản xuất năm 2022-2023 trên cơ sở các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về khuyến khích sản xuất nông nghiệp.

Tiếp tục tuyên truyền hội viên chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân, đồng thời thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng và chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi khi thời tiết chuyển mùa.

Theo: KTNT