Ngăn chặn nạn đặt bẫy bắt thú rừng ở Trung Trường Sơn
04/06/19 09:05AM
Người dân sẽ được hỗ trợ sinh kế nhằm giảm sống dựa vào rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.

Dự án Dự trữ carbon và Bảo tồn đa dạng sinh học (CarBi) bảo vệ và tăng cường sinh kế trong 5 năm (2019 – 2024) được thực hiện bởi WWF và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam (Việt Nam) và Sekong và Salavan (Lào) triển khai giai đoạn II đặt mục tiêu tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên của khu vực rừng tự nhiên xuyên biên giới Trung Trường Sơn, trải dài 242.000 ha. Hàng nghìn người dân ở khu vực thực hiện dự án sẽ được tạo sinh kế bền vững thay vì chỉ khai thác dựa vào rừng.

Ở giai đoạn I (thực hiện 2011-2017), dự án đã huy động người dân cùng giám sát với các thiết bị công nghệ nhằm để quản lý và bảo vệ rừng (săn bắt động vật, khai thác gỗ trái phép...). Thông qua giám sát và quản lý, người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ tài nguyên rừng. Ở giai đoạn này mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng và chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân nâng cao thu nhập. 

Bảo vệ và kiểm lâm đặt bẫy camera, giám sát đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Saola. Ảnh: WWF.

Bảo vệ và kiểm lâm đặt bẫy camera, giám sát đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Saola. Ảnh: WWF.

Trong giai đoạn II, CarBi sẽ khuyến khích người dân chủ động nâng cao nhận thức cho cộng đồng mình sinh sống về bảo vệ các loài hoang dã. Hiện mối đe doạ lớn nhất đối với các loài hoang dã trong khu vực là nạn đặt bẫy nhằm phục vụ nhu cầu buôn bán, tiêu thụ ngày càng cao. Do đó, hỗ trợ các hoạt động bảo tồn trực tiếp tại các khu bảo tồn, chấm dứt buôn bán và tiêu thụ các loài hoang dã sẽ là một trong những trọng tâm hoạt động của dự án. 

Dự án là mô hình đầu tiên tại Việt Nam thí điểm xây dựng cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học - cơ chế tài chính bền vững hiện đã được thực thi thành công tại một số quốc gia. Cơ chế này sẽ yêu cầu những bên sử dụng dịch vụ môi trường/hệ sinh thái không những trả tiền cho loại dịch vụ họ sử dụng mà còn phải bồi hoàn những mất mát về đa dạng sinh học do việc sử dụng đó gây ra. Bài học kinh nghiệm từ mô hình sẽ được đề xuất lên cấp trung ương, bổ sung vào khung pháp lý để triển khai trên toàn quốc. 

Khu vực Trung Trường Sơn là một trong những nơi có những cánh rừng tự nhiên liền mạch rộng lớn nhất châu Á. Nơi đây có tính đa dạng sinh học cao với 134 loài động vật có vú và hơn 500 loài chim. Đặc biệt, một số loài động vật quý hiếm và đặc hữu trong khu vực mới chỉ được khoa học biết tới trong mấy thập kỷ gần đây như Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và Mang lớn (Muntiacus vuquanghensis). Tuy nhiên, sinh cảnh nơi đây đang bị đe doạ bởi nhiều hoạt động phát triển của con người như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hợp pháp và bất hợp pháp trên diện rộng; khai thác gỗ bất hợp pháp; và săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép...

Dự án CarBi giai đoạn II được triển khai bởi WWF Việt Nam với nguồn tài trợ từ Bộ Môi trường, Bảo tồn và An toàn Hạt nhân của Liên bang Đức, thông qua WWF và KfW – Ngân hàng Tái thiết Đức, khởi động từ ngày 30/5.

Hải Minh

THeo Vnexpress