Sản phẩm OCOP nâng chất nhãn hiệu “Cá khô bổi U Minh”
29/07/22 02:50PM
Từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các cơ quan chức năng Cà Mau đã hỗ trợ một số cơ sở sản xuất khô cá bổi nâng cao chất lượng, tạo mẫu mã cho sản phẩm nên càng được thị trường ưa chuộng.

Nâng chất sản phẩm

Sản phẩm “Cá khô bổi U Minh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể và là sản phẩm ẩm thực nổi tiếng của Cà Mau từ khá lâu. Gần đây, địa phương quan tâm, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nên càng được thị trường đánh giá cao.

Cá bổi (sặc rằn) là loài cá đồng phổ biến ở Cà Mau. Loại cá này làm khô ăn ngon nên từ lâu đã là một trong những món ẩm thực có tiếng của Cà Mau.

Trước năm 2010, sản lượng cá tự nhiên suy giảm nên người dân vùng ngọt hóa, chủ yếu thuộc huyện Trần Văn Thời, phát triển nuôi thâm canh, với điều kiện nuôi ở vùng đất phèn cá chậm lớn nhưng lại vẫn giữ được chất lượng. Thương hiệu cá khô bổi U Minh từ đó càng có điều kiện phát triển. Đến năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu “Cá khô bổi U Minh” cho người dân huyện Trần Văn Thời. Từ đó, nhãn hiệu tập thể này dần được biết đến rộng rãi.

nhãn-hiệu-tập-thể-cá-khô-bổi-u-minh-của-tỉnh-cà-mau-được-biết-đến-rộng-rãi.jpg
Nhãn hiệu tập thể Cá khô bổi U Minh của Cà Mau được biết đến rộng rãi.

Gần đây, thực hiện Chương trình OCOP, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất khô cá bổi nâng cao chất lượng, tạo mẫu mã cho sản phẩm nên càng được thị trường ưa chuộng.

Bà Ba Đức, Chủ cơ sở bổi khô Ba Đức chia sẻ, khi chưa tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm mới đạt 3 sao và có nhiều thắc mắc về quá trình tham gia. “Ngày đó, sản phẩm cũng muốn tham gia chương trình nhưng chưa đạt được 4 sao, mới đạt 3 sao, đạt rồi thì sau này mình cải thiện thêm để làm sao tăng chất lên. Khi chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá thành cũng tăng theo. Hàng sạch bán không nhiều như bình dân nhưng ngon thì vẫn có thị trường riêng”, bà Ba Đức chia sẻ.

Để đạt sản phẩm OCOP 3 sao, một trong những tiêu chuẩn khó khăn nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất tại địa phương cần có kho lạnh, máy sấy để đảm bảo chất lượng và đây là những khoản đầu tư lớn. Nhờ tham gia Chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ kinh phí để đầu tư. Cũng nhờ đó, các cơ sở có thể chủ động tạo ra sản phẩm, cung cấp ổn định cho thị trường, không còn phụ thuộc vào thời tiết như trước đây.

Ông Trần Văn Tám, chủ cơ sở kinh doanh bổi khô Tám Oanh, đạt sản phẩm bổi khô OCOP 3 sao, cho biết, cơ sở hiện tại có kho, bãi, lò sấy hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, bây giờ cần mở rộng thị trường.

“Sản lượng của bên mình hiện có thể đảm bảo năm sau cao hơn năm trước. Tôi muốn nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, hướng tới đạt OCOP 4 sao và xa hơn là 5 sao. Bây giờ sản phẩm rất cần có các chứng nhận ISO, nên mong các cơ quan chức năng hỗ trợ để đảm bảo những chứng nhận này, đủ điều kiện cho cơ sở phát triển hơn nữa”, ông Tám đề xuất.

Phát triển thị trường

Huyện Trần Văn Thời đang có 6 cơ sở sản xuất đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Cá khô bổi U Minh”. Trong đó, có 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, cho biết, từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, nghề làm khô bổi tại địa phương phát triển khá nhanh. Khi cơ sở đạt tiêu chuẩn OCOP càng khẳng định được chất lượng sản phẩm. Hiện nay, cơ quan chức năng trong tỉnh đang xây dựng sàn giao dịch điện tử, đây là hướng hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP của địa phương rất khả quan.

nhờ-chương-trình-ocop-mẫu-mã-sản-phẩm-được-đầu-tư-bắt-mắt.jpg
Nhờ Chương trình OCOP , mẫu mã sản phẩm được đầu tư thiết kế bắt mắt.

“Bây giờ cần đảm bảo các cơ sở đã đạt OCOP phải cam kết, giữ được chất lượng và ngày càng nâng cao hơn nữa. Về bao bì, nhãn mác, các cơ sở phải cải tiến và được tập huấn sử dụng nhãn hiệu “Cá khô bổi U Minh”. Cùng với đó, các cơ sở đạt tiêu chuẩn OCOP cần được tập huấn về cách thức đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. Sau khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử thành công, thị trường tiêu thụ trong nước sẽ có hướng phát triển mạnh hơn”, ông Hải khẳng định.

Một trong những khó khăn để phát triển nhãn hiệu “Cá khô bổi U Minh” của Cà Mau hiện nay là diện tích nuôi chưa ổn định. Vài năm qua, nhiều người nuôi cá bổi ở địa phương bỏ nghề, làm sụt giảm nghiêm trọng diện tích và sản lượng. Nguyên nhân do giá cá bổi tươi khá bấp bênh, trong khi thức ăn và chi phí đầu tư nuôi cá bổi ngày càng tăng cao. Gần đây, giá cá bổi tăng trở lại nhưng chưa cao, diện tích thả nuôi tại huyện Trần Văn Thời mới chỉ hơn 100ha.


                                                                                                                                Theo: KTNT