Tin NN Tây Bắc: Thành Sơn, trồng rau trái vụ hiệu quả cao
17/06/20 03:18PM
Nhiều hộ dân xã Thành Sơn (Mai Châu, Hòa Bình) đã tích cực sáng tạo, tận dụng khí hậu mát mẻ vùng núi, trồng rau trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
rau-trai-vu.jpg
Chị Hà Thị Dậu, xóm Noong Luông, xã Thành Sơn (Mai Châu) chuyển đổi sang trồng rau trái vụ, cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/vụ. Ảnh: Báo Hòa Bình
 

Ông Hà Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: "Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, xã đã vận động người dân đưa vào trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây truyền thống. Trong đó, các loại rau, màu được trồng trái vụ cho thấy hiệu quả, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất tuy không bằng rau chính vụ nhưng giá cả, đầu ra ổn định hơn”.

Xã có thời tiết mát mẻ quanh năm, nền nhiệt độ trung bình thấp hơn so với các vùng khác từ 5-70C, phù hợp cho việc chuyển đổi từ các loại cây truyền thống sang trồng rau trái vụ. Hiện, toàn xã trồng 25 ha rau màu, chủ yếu ở xóm Noong Luông, Nà Lụt, Thung Khe. Xã đã thành lập tổ hợp tác trồng rau trái vụ, tổng diện tích 3,2 ha tại xóm Noong Luông, các thành viên đều tích cực trao đổi kinh nghiệm, áp dụng KH-KT vào sản xuất, thực hiện các tiêu chuẩn sạch trong canh tác, tận dụng phân bón từ chất thải chăn nuôi, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Chị Hà Thị Dậu, thành viên tổ hợp tác trồng rau trái vụ xóm Noong Luông cho biết: "Từ diện tích đất trồng ngô, lạc, kém hiệu quả, tôi cải tạo đất, đánh luống để trồng các loại rau như bắp cải, cải thảo trái vụ. Cứ dưới xuôi trồng bắp cải thì tôi trồng cải thảo và ngược lại, do đó, không còn phải lo về đầu ra. Rau trái vụ với giá trung bình 10.000 đồng/ kg, 1 năm trồng 2 vụ, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ rau cho tôi thu nhập 30 - 40 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều so với trồng chính vụ và các loại cây truyền thống khác ở địa phương như ngô, lạc”.

Trồng các loại rau, màu trái vụ tuy khó vì phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật mới đạt chất lượng tốt, năng suất không cao như các loại cây chính vụ, nhưng hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Hiện, bắp cải và cải thảo là 2 loại cây trái vụ được trồng chủ yếu, bởi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình đến các xóm, tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trồng rau trái vụ cho các hộ dân.

Mường Tè thắng lợi vụ đông - xuân

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, vụ đông - xuân năm nay huyện Mường Tè (Lai Châu) đạt cao cả năng suất và sản lượng. Qua đó, giúp bà con đảm bảo an ninh lương thực và hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng lương thực.

lua-xuan.jpg

Nông dân huyện Mường Tè tập trung thu hoạch lúa đông - xuân. Ảnh: Báo Lai Châu

Thăm cánh đồng bản Vàng San (xã Vàng San), hình ảnh bà con nông dân đang miệt mài gặt lúa, giúp chúng tôi cảm nhận được không khí thu hoạch khẩn trương của bà con nơi đây. Chỉ tay về cánh đồng lúa đang chín vàng, anh Vàng Văn Tới phấn khởi chia sẻ: Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lúa rất tốt, mấy ngày gần đây trời nắng đẹp bà con nông dân tổ chức thu hoạch. Vụ lúa năm nay, gia đình tôi gieo cấy trên diện tích gần 8.000m2 giống lúa DS I. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp gia đình tôi chủ động điều tiết nước, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho ruộng lúa nên lúa của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Lúa năm nay cho năng suất cao hơn năm trước, sau hai ngày gia đình tôi đã thu hoạch xong, sản lượng ước đạt 4,7 tấn thóc/ha, mọi người trong gia đình rất phấn khởi.

Ông Tống Văn Thi - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mường Tè cho biết: Vụ đông - xuân năm 2020, nông dân huyện Mường Tè gieo cấy trên 477ha, tăng 14ha so với năm 2019. Phòng NN&PTNT huyện tham mưu với UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn kiện toàn 14 ban quản lý thủy lợi xã và các tổ quản lý thủy lợi thôn bản; chủ động, tu sửa các công trình thủy lợi và nạo vét trên 300km kênh mương để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ, ổn định phục vụ cho Nhân dân sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phân công cán bộ xuống các xã hướng dẫn bà con chủ động thăm đồng, nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển ổn định. Nhờ vậy, vụ đông - xuân năm nay trên địa bàn huyện lúa không bị ảnh hưởng của sâu bệnh, năng suất cao hơn năm trước.

Hiện, Mường Tè đã thu hoạch xong trên 90% diện tích lúa, năng suất ước đạt trên 54,7 tạ/ha, tổng sản lượng ước khoảng 2.608 tấn, tăng trên 200 tấn so với năm trước. Phòng NN&PTNT huyện Mường Tè yêu cầu chính quyền các xã chưa thu hoạch xong như: Bum Tở, Vàng San, Kan Hồ và một số nơi có diện tích lúa gieo cấy muộn tranh thủ thời tiết thuận lợi chỉ đạo bà con tập trung thu hoạch lúa đông - xuân xong trước ngày 30/6. Đồng thời, chủ động triển khai tốt công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa đúng khung thời vụ.

Lào Cai: Rộn ràng mùa thu hoạch nấm

Nấm hương là thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao nhưng khó trồng. Tín hiệu vui là giữa lúc dịch Covid -19 phức tạp, vẫn có 39 tấn nấm hương khô của Công ty TNHH Hà Lâm Phong (Sa Pa) được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Nấm hương Sa Pa được đánh giá có chất lượng vượt trội so với nấm hương Trung Quốc, trở thành món đặc sản quý được người tiêu dùng ưa chuộng.

thu-hoach-nam.jpg

Công nhân tại các nhà nấm được đào tạo kỹ thuật thu hái tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Báo Lào Cai

Thời điểm này, Sa Pa đang vào mùa thu hoạch. Toàn huyện Sa Pa hiện có 4 ha trồng nấm hương, tăng 2 ha so với năm 2019, tập trung tại các xã Sa Pả, Tả Phìn.

Nấm hương được bán với giá bình quân từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg. Các đơn vị trồng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu nấm hương Sa Pa và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trồng xoài tròn Yên Châu hiệu quả cao

Với mong muốn bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm xoài tròn Yên Châu (Sơn La), năm 2017, các hộ dân trên địa bàn xã Sặp Vạt đã liên kết, thành lập HTX nông nghiệp Xuân Tiến, tạo sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho các thành viên và lao động địa phương.

xoai-yen-chau.jpg

Điểm bán và giới thiệu xoài tròn chính hiệu Yên Châu tại xã Sặp Vạt. Ảnh: Báo Sơn La

Anh Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Tiến, chia sẻ: Là HTX chuyên trồng và tiêu thụ xoài tròn Yên Châu, HTX có 37 thành viên với gần 50 ha xoài tròn; trong đó, có 15 ha xoài cổ thụ và 35 ha xoài trồng mới. Trước đây, phần lớn diện tích xoài tròn được các hộ dân trồng từ lâu nên bị thoái hóa, sâu bệnh; việc trồng mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ cùng với kinh nghiệm trồng còn hạn chế, hiệu quả mang lại chưa cao. Sau khi thành lập, HTX đã liên kết với các hộ dân có vườn xoài cổ thụ đầu tư cải tạo, hướng dẫn các hộ chăm sóc tốt diện tích xoài ghép, sau hơn 1 năm, toàn bộ diện tích xoài cổ thụ đã phục hồi, phát triển tốt và bắt đầu cho sản phẩm.

Để duy trì và mở rộng diện tích xoài tròn và ổn định đầu ra, HTX thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên các kỹ thuật chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng diện tích xoài già cỗi; triển khai mô hình trồng mới giống xoài tròn ghép cành từ giống đầu dòng đã qua tuyển chọn. Đồng thời, chủ động tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho thành viên tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá quả sản phẩm xoài tròn Yên Châu tới người tiêu dùng.

Sau khi được hướng dẫn, tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình hiệu quả, các thành viên HTX đã nắm chắc các kỹ thuật chăm sóc, phòng chống sâu bệnh, vệ sinh vườn, bón phân sau thu hoạch, giúp cây xoài phát triển tốt trong vụ tiếp theo. Nhờ lựa chọn đồng đều về giống và thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật, sản phẩm xoài tròn của HTX được đánh giá cao về chất lượng. Qua đó, giá xoài ghép các loại từ 7.000-15.000 đồng/kg, nhưng xoài tròn của HTX vẫn có giá từ 20.000-30.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ, HTX thu mua và giúp bà con tiêu thụ trên 50 tấn quả xoài.

 V.N (tổng hợp)/Theo KTNT