Triển vọng mô hình nuôi cá xứ lạnh có giá trị cao ở Thừa Thiên- Huế
14/05/20 03:17PM
Mô hình nuôi cá tầm - loài cá xứ lạnh có giá trị kinh tế cao, đang mang lại hiệu quả và được đánh giá đầy triển vọng ở vùng núi Thừa Thiên- Huế.

Tận dụng lợi thế điều kiện khí hậu núi rừng, nhiệt độ thấp, nhiều hộ gia đình ở xã Hồng Kim, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên- Huế) đã mạnh dạn bỏ kinh phí đầu tư mô hình nuôi loài cá tầm - cá xứ lạnh có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao.  

Nhiều hộ gia đình ở A Lưới đã đầu tư mô hình nước chảy, lót bạt dưới đáy hồ nuôi cá tầm xứ lạnh. Ảnh: Tiến Thành.

Nhiều hộ gia đình ở A Lưới đã đầu tư mô hình nước chảy, lót bạt dưới đáy hồ nuôi cá tầm xứ lạnh. Ảnh: Tiến Thành.

Đầu năm 2019, dựa vào dòng nước chảy của con thác A Nor, hộ gia đình anh Hồ Thanh Phương, trú ở làng Việt Tiến, xã Hồng Kim đã bỏ kinh phí múc hồ, làm hệ thống nước tự chảy, lót bạt dưới đáy rộng hơn 100 m2 và tiến hành thả nuôi khoảng 1000 con cá tầm.

Đến nay, cá tầm nuôi đã đạt trọng lương trung bình  2,5 - 3kg, anh Phương đang tiến hành thu hoạch dần, đồng thời, tiếp tục thả thêm gần 1000 con giống mới. Với giá bán giao động từ 250 - 300 ngàn đồng/kg, việc nuôi cá tầm đã mang lại lợi nhuận kinh tế khá lớn cho hộ gia đình này. Anh Phương cho biết, đang tiếp tục đầu tư và nghiên cứu để nhân rộng mô hình, tiến tới nuôi cá tầm lấy trứng có giá trị cao hơn.

Cá tầm được đánh giá phù hợp với đặc điểm khí hậu ở A Lưới. Ảnh: Tiến Thành.

Cá tầm được đánh giá phù hợp với đặc điểm khí hậu ở A Lưới. Ảnh: Tiến Thành.

Để nuôi cá tầm hiệu quả, anh Phương chia sẽ, ngoài nguồn nước phải luôn sạch, không bị ô nhiễm và có hàm lượng oxy hoà tan cao, thì đáy hồ nuôi cũng phải được vệ sinh thường xuyên để loại bỏ bùn đất. Cùng với đó, nhiệt độ nước trong hồ nuôi luôn phải được duy trì dưới 30độ C. Theo anh Phương, một yếu tố không kém phần quan trọng và quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi đó là chất lượng con giống.

“Khi chọn cá giống thì ta nên chọn những con khoảng 50gr, dài từ 15 - 20 cm, khoẻ mạnh và không dị hình. Khi thả vào chậu nước, cá bơi tản đều trong chậu, không tập trung vào một chỗ là cá khoẻ. Chế độ ăn cho cá tùy theo nhiệt độ nước trong hồ nuôi, khi nước lạnh cho ăn 1-2 lần/ngày; còn khi thời tiết ấm thì cho ăn nhiều hơn, khoảng 4 lần/ngày” anh Phương chia sẽ.

Ở A Lưới, ngoài gia đình anh Phương còn có hộ anh Hồ Văn Hiệu, xã Hồng Kim cũng đã đầu tư mô hình ao, hồ nuôi cá tầm với quy mô hơn 1000 con, đang mạng lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Được biết, những hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông  (TTKN) Thừa Thiên- Huế hỗ trợ chi phí 100% con giống, 70% thức ăn và cán bộ hướng dẫn kĩ thuật nuôi, chăm sóc phòng trừ bệnh cho cá.

Anh Phương bên mô hình nuôi cá tầm của gia đình. Ảnh: Tiến Thành.

Anh Phương bên mô hình nuôi cá tầm của gia đình. Ảnh: Tiến Thành.

Theo các hộ nuôi cá tầm, đến nay cá sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết nguồn nước ở địa phương. Bên cạnh những thành quả bước đầu, việc triển khai mô hình nuôi cá Tầm ở huyện A Lưới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đối tượng nuôi mới nên đòi hỏi điều kiện nuôi khắt khe; chi phí đầu tư làm hồ nuôi, con giống, thức ăn cũng khá lớn; kèm theo đó là chi phí vận chuyển lớn do đường xa.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh Thừa Thiên- Huế đánh giá: Lần đầu tiên cá tầm được đưa vào thả nuôi tại vùng cao ở Thừa Thiên- Huế. Sau thời gian nuôi khảo nghiệm cho thấy phù hợp với đặc điểm khí hậu ở A Lưới. Thời gian tới, TTKN tiếp tục hỗ trợ để phát triển đối tượng nuôi này. Việc này, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có thể giải quyết vấn đề đặc sản vùng miền ở huyện A Lưới, giúp người dân vùng cao có điều kiện phát triển kinh tế bền vững.

Cá tầm siberi là loài cá nước ngọt ở xứ lạnh sống ở nhiệt độ dưới 30 độ C, có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, được đưa vào thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 2005. Đến nay, loài cá này đã được phát triển nuôi ở những vùng miền núi có nhiệt độ thấp với mô hình nuôi lấy thịt và lấy trứng.