Việt Nam đón cơ hội xuất khẩu rơm rạ sang Nhật Bản
12/08/16 04:05PM
(Doanh nghiệp) - Việc Nhật Bản muốn nhập khẩu rơm, rạ từ Việt Nam sẽ là một cơ hội phát triển cho ngành nông nghiệp cũng như tận dụng nguồn vốn hỗ trợ ODA.
Ngày 18/11, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-Bix) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND TP Cần Thơ về việc nhập khẩu nguyên liệu rơm, rạ từ Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ) và đề án Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA giúp nông dân Cần Thơ chăn nuôi bò.

Ông Aoyama, Phó Chủ tịch J-Bix, cho biết hằng năm hiệp hội cần khoảng 220.000 tấn rơm để làm thức ăn gia súc. Nguồn nguyên liệu mà J-Bix nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc.

“Nhưng năm vừa qua, phía Trung Quốc xuất rơm sang nước chúng tôi thì có đến 5.000 tấn bị ký sinh. Vì vậy, chúng tôi đang tìm thị trường khác để thay thế”, ông Aoyama nói.

Giải quyết được khối lượng rơm, rạ vốn bỏ đi

Trao đổi với Đất Việt, ngày 18/11, ông Nguyễn Thanh Phú - Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết: "Hai bên đã ký kết bản ghi nhớ với 2 nội dung: Thứ nhất, nông trường sông Hậu sẽ xuất khẩu rơm sang Nhật để chăn nuôi bò, làm thức ăn chăn nuôi, với sản lượng yêu cầu hàng năm là 220.000 tấn.

Thứ hai, hợp tác để Ngân hàng, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nguồn vốn ODA phát triển chăn nuôi bò ở VN và cụ thể ở nông trường sông Hậu. Riêng rơm thì sẽ xúc tiến dự kiến là vào vụ Đông xuân năm 2016".

Theo ông Phú, với sản lượng rơm trong vùng thì xuất khẩu với số lượng 220.000 tấn trong 1 năm thì chúng ta đủ sức đáp ứng, tuy nhiên, để xuất được thì còn nhiều công đoạn nữa, nhất là khâu kiểm định tiêu chuẩn của Nhật rất nhiều tiêu chí.

Bên cạnh đó, ông Phú cho biết thêm: "Hôm nay, chỉ là ký kết bản ghi nhớ về nguyên tắc, sau này hai bên sẽ tiếp tục đàm phán cụ thể về quy trình để thu rơm, chế biến, đủ điều kiện xuất khẩu thì hai bên tiếp tục cố gắng hoàn thiện quy trình trong thời gian tới.

Về nguyên tắc Nhật Bản sẽ hỗ trợ VN về trang thiết bị, để tiến hành thu gom, chế biến, đào tạo con người, nhân lực, hỗ trợ nguồn vốn thực hiện công việc này.

Viet Nam don co hoi xuat khau rom ra sang Nhat Ban

Nhật Bản hứa hẹn nhập khẩu rơm từ Việt Nam

Về phía VN, thì nguồn rơm trước mắt sẽ lấy ở khu vực nông trường sông Hậu và một số địa bàn lân cận, xung quanh nông trường sông Hậu. Chắc chắn sẽ phải đảm bảo các yếu tố chất lượng cơ bản, tránh trường hợp như thị trường Trung Quốc đã bị từ chối".

Với việc hợp tác này, theo ông Phú, trước tiên sẽ giải quyết được vấn đề rơm, rạ trước đây chúng ta rất lãng phí, bà con nông dân sau thu hoạch thường đốt bỏ đi, hoặc là để trên đồng, rồi cày vùi lấp xuống, dẫn đến ngộ độc hữu cơ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Việc Nhật Bản nhập khẩu, sẽ là cách vừa tạo công ăn việc làm, vừa tăng hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Sau khi thu gom thì trước mắt sẽ dùng công nghệ của Nhật, tiến hành chế biến, còn giai đoạn sau thì hai bên sẽ bàn bạc cụ thể.

Cơ hội được hỗ trợ phát triển chăn nuôi

Giám đốc Nông trường sông Hậu cũng cung cấp thêm thông tin, hiện nay, phía Việt Nam đang cung cấp thông tin về quy trình sản xuất cây lúa tại Việt Nam và khu vực Cần Thơ nói chung, trong từng giai đoạn trồng cấy sử dụng chất bảo vệ thực vật gì. 

Sau đó, phía Nhật Bản sẽ phân tích, thí nghiệm cụ thể, khi đó mới đưa ra quyết định cụ thể xem Việt Nam có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu rơm, rạ sang Nhật Bản hay không, nếu đủ chất lượng thì sẽ tiến hành các quy trình tiếp theo để chế biến xuất khẩu.

Ông Phú nhấn mạnh: "Vì Nhật Bản là một thị trường rất khó tính, nên mẫu của Việt Nam cũng chưa chắc đã được đồng ý cho nhập khẩu, vì đòi hỏi của họ rất cao, chính vì thế, phải đợi chờ kết quả phân tích phía Nhật Bản.

Còn biên bản ký kết chỉ là nguyên tắc hứa với nhau thực hiện, còn thực hiện được hay không còn nhiều công đoạn phải thực hiện trong thời gian tới".

Nhìn nhận về một tương lai đầy hứa hẹn, ông Phú rất lạc quan, bởi nếu sau này nếu hợp tác sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nông trường sông Hậu nói chung và nhân dân khu vực xung quanh nói riêng.

Đặc biệt, đây là nhịp cầu đầu tiên để hợp tác với Nhật Bản, tiến tới việc Việt Nam có thể dùng vốn hỗ trợ ODA của Nhật để phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, vì thế nên, sẽ phải cố gắng biến bản ký kết này thành hiện thực. Đặc biệt, là dự án chăn nuôi bò tại Nông trường sông Hậu và mô hình trồng hạt ngũ cốc và cỏ để cung cấp thức ăn luôn cho trang trại bò.

                                                                                                                                                 Châu An