Kết quả sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL đạt hơn 10,8 triệu tấn
17/04/24 04:32PM
Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, tổng sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL ước đạt hơn 10,8 triệu tấn, năng suất đạt trên 7,24 tấn/ha.
Hội thảo sơ kết vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL được tổ chức ngày 12/4 tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội thảo sơ kết vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL được tổ chức ngày 12/4 tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Chi.

Sản lượng lúa vượt mức trung bình

Sáng 12/4 tại Đồng Nai, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tổ chức Hội thảo sơ kết bản tin thời tiết nông vụ trong vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL và Tham vấn nâng cao chất lượng bản tin thời tiết nông vụ gắn với mục tiêu sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Theo kết quả tổng hợp sơ bộ của Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL ước đạt 1.488 nghìn ha, tăng 10,3 nghìn ha; năng suất đạt 72,74 tạ/ha, tương đương cùng kỳ năm trước; tổng sản lượng lúa đạt 10.830.950 tấn.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, năng suất lúa ở ĐBSCL đã đạt năng suất ổn định trên 7 tấn/ha. Theo ông Tùng, dấu mốc này phản ánh hai điều quan trọng.

“Thứ nhất, nông dân áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất ngày càng tiến bộ. Khoảng cách giữa khu vực có năng suất thấp nhất và khu vực cao nhất dần thu hẹp lại, cho thấy sự đồng đều hơn trong sản xuất lúa gạo. Không còn sự chênh lệch lớn giữa các cánh đồng, chứng tỏ ngành lúa gạo ngày càng được chuyên nghiệp hóa. Như vậy, nông dân các tỉnh ĐBSCL cùng áp dụng quy trình canh tác khoa học, sử dụng cùng các nhóm giống trong cùng điều kiện khí hậu”, Phó Cục trưởng phân tích.

Ông Lê Thanh Tùng lưu ý thêm, năm nay tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng không kém thời điểm 2015 - 2016. Tuy nhiên, nhờ xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp mà vụ đông xuân năm nay, cây lúa được cấp nước, nuôi dưỡng đúng thời điểm, đúng cách, sản lượng vượt trội so với mức trung bình.

Sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL đạt hơn 10,8 triệu tấn.

Sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL đạt hơn 10,8 triệu tấn.

Vụ đông xuân 2023 - 2024 là giai đoạn đầu tiên sáng kiến bản tin thời tiết nông vụ được nhân rộng trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL. Đây là một giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ nông hộ nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu do CIAT thực hiện và chuyển giao cho cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh nhằm thiết kế dự báo phù hợp cho từng địa phương. 

Bản tin được gửi tới nông dân theo từng mùa vụ, theo tháng và thí điểm 10 ngày tại một số địa phương. Đây là công cụ để đưa ra thông tin, giúp cán bộ kỹ thuật và nông dân xây dựng kế hoạch sản xuất, đưa ra các quyết định quản lý, chăm bón cây trồng tốt hơn. Do đó, tránh được tác động tiêu cực của điều kiện thời tiết và khí hậu bất lợi đối với cây trồng, vật nuôi. 

Bản tin thời tiết nông vụ được nhân rộng trên 13 tỉnh

Với sự chủ động của cán bộ địa phương, vụ đông xuân 2023 - 2024 đã hoàn thiện nội dung 437 bản tin nông vụ cho hơn 500 huyện. Thông qua các nhóm Zalo, áp phích, hợp tác xã, tổ chức xã hội, đoàn thể và hội thảo tập huấn, sáng kiến của CIAT đã tiếp cận gần 222 nghìn nông dân trên toàn vùng ĐBSCL. Số đông các cán bộ kỹ thuật đều đánh giá cao giải pháp bản tin nhằm hỗ trợ cán bộ tham vấn thực hành canh tác cho nông dân, chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.

Điển hình, Vĩnh Long chịu tác động của hiện tượng El Nino, tháng 2/2024 ghi nhận là tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất lịch sử so với quan trắc cùng kỳ trong 46 năm qua. Trước tình hình thời tiết, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, cán bộ kỹ thuật đã chủ động hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại và ứng phó với tình hình hạn mặn mùa khô năm 2023 - 2024. 

Người nông dân đọc áp phích Bản tin Thời tiết nông vụ cho mùa vụ mới.

Người nông dân đọc áp phích Bản tin Thời tiết nông vụ cho mùa vụ mới.

Trong quý, dịch hại trên cây ăn trái có phát sinh ở Vĩnh Long nhưng với mật số và tỷ lệ thấp, được nông dân phòng trị kịp thời nên vườn cây ăn trái vẫn phát triển tốt. Từ tháng 8/2023 đến tháng 3/2024, 8 bản tin thời tiết nông vụ đã đưa ra giải pháp ứng phó để giảm thiểu rủi ro do thời tiết và sinh vật gây hại gây ra trên cây lúa, cây cam, cây sầu riêng, cây dừa, cây bưởi da xanh.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết, người dân tỉnh này đánh giá cao hiệu quả của bản tin đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đa số nông dân áp dụng bản tin để quyết định thời điểm xuống giống lúa hợp lý cho mùa vụ, giảm số lần bón phân. Theo khảo sát tại 8 huyện ở Vĩnh Long, khoảng 90% nông dân cho rằng chữ và hình ảnh trong bản tin thời tiết rõ ràng, dễ nhìn, nội dung dễ hiểu. 100% lượt phản hồi cho rằng thời điểm khuyến cáo hợp lý, kịp thời cho các mùa vụ và vùng sản xuất.

Gắn kết bản tin với mục tiêu 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Tại Hội thảo sơ kết vụ đông xuân 2023 - 2024, đại diện các tỉnh ĐBSCL đều mong muốn chuyên gia CIAT tiếp tục đồng hành cùng cán bộ kỹ thuật, đồng hành cùng mục tiêu chung nhằm sản xuất 1 triệu ha lúa giảm phát thải. Sáng kiến bản tin thời tiết nông vụ có thể được coi là nền tảng kỹ thuật thiết yếu của nông dân toàn vùng ĐBSCL để canh tác lúa hiệu quả. Các dự báo ngắn hạn trong 3 ngày, 6 ngày giúp nông dân chủ động dự báo rủi ro và tự mình đưa ra các biện pháp giảm thiểu.

Chỉ điều chỉnh lịch trình sản xuất 1 - 2 ngày cũng giúp người trồng lúa tiết kiệm chi phí đáng kể, giảm nguy cơ mất mùa. Ví dụ, nếu được dự báo trời mưa, nông dân sẽ lùi ngày phun thuốc bảo vệ thực vật, tránh để thuốc bị nước mưa rửa trôi. Tương tự, thông tin về xâm nhập mặn hỗ trợ bà con quyết định xuống giống sớm để né hạn vào cuối vụ.

Theo ông Kees Swaans, Trưởng nhóm Hành động khí hậu của CIAT, giai đoạn giai đoạn 2024 - 2027, dự án sẽ chính thức triển khai nền tảng kỹ thuật số và bản tin thời tiết nông vụ cải tiến, hướng tới nền tảng số. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nhân rộng mô hình, chia sẻ dữ liệu, chuyển giao công nghệ giữa các khu vực.

Trưởng nhóm Hành động khí hậu của CIAT Kees Swaans đánh giá cao mục tiêu của Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Trưởng nhóm Hành động khí hậu của CIAT Kees Swaans đánh giá cao mục tiêu của Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ông Kees chia sẻ: “Với mạng lưới chuyên gia toàn cầu ở Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ, Tổ chức CIAT mong muốn phát triển nền tảng tích hợp dự báo khí hậu, dữ liệu thời tiết và thuật toán AI. Sự tích hợp của AI vào công nghệ tiên tiến chắc chắn sẽ cách mạng hóa các thông tin khí hậu trong thập kỷ tới”.

Chuyên gia quốc tế khẳng định thêm, hợp tác xã đóng vai trò trung tâm đối với Chương trình 1 triệu ha. Do đó, ngoài hỗ trợ cán bộ địa phương đưa ra các khuyến cáo cần thiết thông qua nền tảng bản tin nông vụ, CIAT cũng tham vấn chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp sinh thái.

“Việc Chương trình 1 triệu ha được phê duyệt và triển khai ở ĐBSCL thể hiện tư duy chuyển đổi xanh, bền vững của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, so với các loại cây ăn quả, lúa thường không mang lại lợi nhuận đáng kể. Vậy làm thế nào để khuyến khích nông dân áp dụng biện pháp giảm phát thải? Đây là câu hỏi dẫn dắt đội ngũ CIAT trong quá trình tìm tòi những ưu đãi, những lợi ích thiết thực để quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam được thuận lợi hơn”, Trưởng nhóm Hành động khí hậu của CIAT nói.