Phong trào khuyến đọc trong khuyến nông
21/04/23 06:08PM
Hưởng ứng tinh thần Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát động phong trào đọc sách với chủ đề 'Đọc sách để đổi mới, sáng tạo'.

Bộ NN-PTNT tạo dựng không gian văn hóa đọc

Sách là giá trị tinh thần vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, là kho tàng tri thức vô tận và là ánh sáng dẫn bước đi đến tương lai. Ảnh: TL. 


Sách là giá trị tinh thần vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, là kho tàng tri thức vô tận và là ánh sáng dẫn bước đi đến tương lai. Ảnh: TL. 

Sức đọc của người Việt Nam còn khá thấp

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Mỗi năm, một người Việt Nam đọc bình quân khoảng 1 cuốn sách, 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt một năm. Chỉ số này chứng minh sức đọc của người Việt rất thấp.

Nếu tính giờ đọc sách trung bình trong một tuần, người Việt Nam chỉ dành ra chưa tới 1 giờ, trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc đọc 3 giờ/tuần,…

Trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, có 3 quốc gia Đông Nam Á, gồm: Singapore, Malaysia và Indonesia, không có Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, tỉ lệ đọc của một số quốc gia Đông Nam Á cao vì có chính sách phát triển thói quen đọc.

Có thể lấy thí dự từ Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Tại Thái Lan, một khảo sát trên 55.000 người chỉ ra thời gian đọc trung bình ở các độ tuổi lần lượt là: 71 phút/tuần với trẻ em, 94 phút/tuần với thanh nhiên, 61 phút/tuần với người lao động.

Một nguyên nhân khác đang tác động tới thói quen đọc sách của người Việt đó là sự phát triển của khoa học công nghệ. Thống kê cho thấy, Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia có số người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới với gần 50% dân số, thời gian người Việt truy cập internet hơn 6h/ngày, trong đó sử dụng điện thoại 4h/ngày.

Việc dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại dẫn đến thời gian dành cho đọc sách giảm đi đáng kể và thói quen đọc sách đã thực sự thay đổi. Rõ nhất, giới trẻ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng nổ thông tin, sự xuất hiện của các loại hình đa phương tiện. Theo đó, văn hóa nghe nhìn đang ngày càng lấn lướt văn hóa đọc và thói quen đọc sách đang bị mất dần, mặc dù giữa phương thức đọc và nghe nhìn có sự khác nhau.

Khuyến đọc trong khuyến nông

Trước thực trạng tỉ lệ đọc sách quá thấp, nước ta từng có nhiều mô hình nhằm cải thiện tình hình. Từ năm 2014, ngày 21/4 hàng năm được Chính phủ chọn là Ngày Sách Việt Nam với mục tiêu khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Để đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới, ngày 4/11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây và vẫn diễn ra vào ngày 21/4 hàng năm.

 

Năm 2023, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tổ chức lần thứ 2, từ ngày 15/4 đến ngày 1/5 với chủ đề “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” - “Sách cho tôi, cho bạn”.

Trong tình hình chung đó, nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh xuất bản nhiều đầu ấn phẩm với hình thức phong phú đa dạng phát hành miễn phí đến các tỉnh/thành, các câu lạc bộ khuyến nông... Qua đó giúp cán bộ khuyến nông và đông đảo bà con nông dân tiếp cận thông tin tiến bộ kỹ thuật, thị trường... góp phần phát triển sản xuất hiệu quả.

Đặc biệt, vài năm gần đây, TTKNQG đã hỗ trợ các đơn vị hình thành Tủ sách khuyến nông. Thực tế cho thấy, nhiều tủ sách đã được các địa phương kết hợp cùng tủ sách cộng đồng, tủ sách nhà văn hóa, tủ sách pháp luật... mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những tủ sách chỉ để trưng bày bởi người dân còn nhiều thứ phải lo hơn là ngồi đọc sách.

Từ năm 2022, TTKNQG gia đã thực hiện thí điểm sách nói thể hiện bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đọc ở mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đang làm việc. Sách nói hiện đang là loại hình mới mang lại nhiều tiện ích cho người đọc và phù hợp với sự phát triển của công nghệ hiện nay. Năm 2023 và những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ thực hiện số hóa sách giấy truyền thống sang phiên bản sách nói - sách audio nhằm mang lại nhiều thuận tiện hơn đối với người đọc.

Nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, ngày 19/4, TTKNQG tổ chức “Lễ phát động: Phong trào đọc sách trong hệ thống khuyến nông Việt Nam, với chủ đề: “Đọc sách để đổi mới, sáng tạo”.

Theo đó, TTKNQG kêu gọi toàn bộ hệ thống khuyến nông quan tâm thực hiện tốt phong trào đọc sách, phát triển sâu rộng văn hóa đọc tại đơn vị, địa phương. Xác định mỗi thư viện, tủ sách khuyến nông thực sự là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn để thu hút cán bộ khuyến nông, bà con nông dân đến nghiên cứu, học tập.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng nội dung các tài liệu, ấn phẩm phát hành. Quan tâm xây dựng, nhân rộng và kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả, có đóng góp tích cực trong phát triển phong trào đọc sách...

                                                                                                                             Theo: BNN