Làm thế nào để nuôi ong trong vườn cây mà không bị ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật?
20/05/14 10:22AM

Ong rất mẫn cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nếu bị ngộ độc nặng sẽ bị chết ngay tại hoa nó lấy mật, nếu bị nhẹ thì về đến tổ ong cũng bị chết, nếu bị rất nhẹ cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh làm cho ong rối loạn mọi hoạt động, chúa không đẻ, ong thợ không đi làm và dẫn đến chết cả đàn. Vì vậy đối với ong không được phép có một ảnh hưởng nào của thuốc độc dù là rất nhỏ. Như vậy nếu không phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh thì vườn cây sẽ bị sâu bệnh phá hoại. Còn khi phun thuốc thì lại không thể sử dụng ong để thụ phấn cho cây. Vì vậy đòi hỏi người trồng trọt và người nuôi ong phải cùng có một chương trình phối hợp rất chặt chẽ.

Các bin pháp phối hợp đó là:

-        Trước hết người làm vườn và nuôi ong cần nắm chắc thời gian nở hoa của loại cây trồng cần có ong thụ phấn. Từ lịch nở hoa này mà định được thời gian phun thuốc phòng sâu bệnh cho cây trước khi hoa nở 10 - 15 ngày. Và sau 10 - 12 ngày phun thuốc thì mới chuyển ong đến để thụ phấn. Trong thời gian đặt ong trong vườn không được phun bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Hơn nữa, trong khi hoa đang nở phun thuốc sẽ làm cho hoa bị hỏng, không đậu quả. Trường hợp đặc biệt khi hoa nở mà bị dịch sâu bệnh đột ngột cần phải xử lý thuốc để bảo vệ vườn cây thì phải tổ chức chuyển đàn ong đi xa ít nhất trên 3 - 5km mới cho phun thuốc cho cây để đảm bảo an toàn cho ong.

-       Khi phun thuốc cần chọn loại nào vừa diệt được sâu bệnh, vừa lại không hại hoặc ít hại cho ong.

-        Không để thuốc rơi vãi trên đất, vào nguồn nước hoặc các vùng cây thiên nhiên dễ ảnh hưởng đến ong khi đem đến thụ phấn cho cây trồng.

-        Trường hợp phun thuốc nhẹ trong vùng với loại thuốc không độc cho ong, trong khi phun thuốc cũng phải đóng cửa tổ ong không cho ong bay ra ngoài, nếu không cần phải di chuyển ong (trong thời gian đóng cửa ong phải cho ong ăn cho đến khi thuốc hết hiu lực lại mở cửa) cho ong đi làm. Thường chỉ áp dụng đóng cửa tổ ong trong 1-2 ngày, thời gian lâu thì nên di chuyển ong đi nơi khác.

Để đảm bảo an toàn cho các đàn ong, nếu sự phối hợp giữa người làm vườn và người nuôi ong không chặt chẽ thì tốt nhất là di chuyển chúng ra khỏi vùng phun thuốc độc.

(Nguồn: Một trăm câu hỏi đáp nuôi ong lấy mật/ Phan Đức Nghiệm.-H.: Khoa học tự nhiên và công nghệ, 2010.- 136tr., 19cm.-Đăng ký cá biệt: VB20103071)