Đề xuất các giải pháp quản lý xây dựng đê bao và đường giao thông nhằm giảm thiểu tác hại của lũ xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia
05/05/16 10:24AM
Thủy lợi

Tên đề tài: Đề xuất các giải pháp quản lý xây dựng đê bao và đường giao thông nhằm giảm thiểu tác hại của lũ xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia

Tổ chức chủ trì: Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: Đặng Thanh Lâm

Thời gian hoàn thành đề tài: 8/2010

 

Kết quả nghiên cứu:

Dải biên giới Việt Nam-Campuchia có vị trí đặc biệt quan trọng đến việc kiểm soát lũ tràn vào đồng bắng sông Cửu Long (ĐBSCL), là tuyến chắn ngang dòng lũ tràn chiếm 15-20% tổng lượng lũ vào ĐBSCL, là lượng nước lũ gây ngập úng vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) với diện tích ngập 1,4-1,6 triệu ha, năm lũ lớn 1,8-2,0 triệu ha, với độ sâu 0,5-4,0 m, thời gian từ 3-5 tháng. Việc kiểm soát lũ tràn biên giới còn ngăn được lượng nước lũ có chất lượng xấu (ít phù sa, mang chua phèn từ phía đồng ruộng Campuchia sang Việt Nam). Sản xuất nông nghiệp ở vùng biên giới trong những năm gần đây ổn định với 2-3 vụ lúa một phần do lũ nhỏ và một phần nhờ hệ thống đê bao và đường giao thông được nâng cấp để chủ động kiểm soát lũ sớm, đóng vai trò quyết định cho tăng vụ trong những năm qua và kể cả những năm tiếp theo.

Đề tài đã khảo sát và đánh giá rủi ro thiệt hại lũ vùng biên giới Việt Nam-Campuchia với thực trạng đê và các phương án kiểm soát lũ mức cao hơn. Các công trình kiểm soát lũ tràn biên giới TGLX khá hoàn chỉnh và mang lại hiệu quả kiểm soát lũ rất to lớn, chủ động kiểm soát lũ sớm ở vùng TGLX. Ở vùng ĐTM có lượng lũ tràn biên giới rất lớn, những giải pháp kiểm soát lũ còn nhiều tồn tại bởi những tác động xuyên biên giới. Việc nâng cấp hệ thống đê bao lửng bảo vệ sản xuất và rút ngắn lịch thời vụ thu hoạch lúa Hè Thu trước ngày 31/7 hàng năm sẽ tránh được những thiệt hại đối với sản xuất.

Việc kết hợp các mô hình thủy lực tổng thể và mô hình thủy lực chi tiết vùng nghiên cứu với kỹ thuật mô phỏng các tuyến đê tràn hợp lý và ứng dụng kỹ thuật GIS cho thấy rõ diễn biến lũ trong các ô bao lửng trong mùa lũ. Trên cơ sở đó đề xuất các phương án kiểm soát lũ và biện pháp kỹ thuật thiết kế, xây dựng và quản lý đê và đường vùng biên giới.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-8950)