Cao su mất mùa, sản lượng giảm, mủ cao su được giá
05/10/21 03:49PM
Sau nhiều năm mất giá, thời gian gần đây, giá mủ cao su tăng vọt trở lại. Tuy vậy, nông dân Phú Yên không mấy vui vì sản lượng mủ năm nay thấp.
Mấy năm liền, giá mủ cao su luôn ở mức thấp, khiến người trồng loại cây này ở các huyện miền núi Sơn Hoà, Sông Hinh (Phú Yên) mất kiên nhẫn, bỏ vườn, không buồn chăm sóc. Năm nay, bất ngờ giá mủ tăng cao. Hiện mủ cao su được thương lái thu mua với giá tăng lên mức 13.000 đồng/kg mủ khô, 10.000 đồng/kg mủ nước. Dù giá cao su chưa đạt đến đỉnh điểm như giai đoạn năm 2011-2012, nhưng cũng giúp nông dân vơi bớt khó khăn, nhất là trong bối cảnh giá nhiều loại nông sản giảm sâu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
Ông Nguyễn Gia Thừa ở huyện Sông Hinh cho hay: Gia đình tôi trồng 6 ha cao su ở xã Ea Trol. 2 năm nay, chúng tôi không mặn mà loại cây này cho lắm và chuyển 2 ha sang cây trồng khác, nguyên nhân là do mủ cao su rớt giá, có lúc chạm đáy, tiền thu được từ việc bán mủ không bù đủ nguồn vốn bỏ ra.
 
Theo ông Thừa, hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua tăng so với năm trước, dao động từ 10.000 - 13.000 đồng/kg tuỳ vào từng loại mủ. Còn năm ngoái thì đầu vụ giá 8.000 đồng/kg mủ, cuối vụ giảm chỉ còn 6.000 đồng/kg mủ. “Tuy nhiên, năm nay do nắng nóng kéo dài, cây cao su ít mủ, giảm năng suất thấp nên người trồng không vui”, ông Thừa nói.
 
20181113_091443.jpg
Giá mủ cao su tăng nhưng sản lượng giảm khiến người trồng không mấy vui.

Ông Trần Quang ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hoà thì chia sẻ thời gian trước, gia đình ông ngại thu hoạch mủ cao su vì giá thấp, thu không đủ bù chi. Từ tháng 9/2021, nhờ giá cao su lên cao, ông huy động nhân lực tập trung khai thác. Với giá như hiện nay, ông vẫn có lời, nhưng cây ít mủ, sau khi trừ các khoản chi phí thì thu nhập không còn bao nhiêu. “Trước đây, trung bình 4 ha cao su của nhà tôi một ngày cạo 140 kg mủ, nay chưa được 110 kg, trong khi đó giá thuê 6 công lao động đi lấy mủ hiện nay là 200.000 đồng/ngày, thì không có lời”, ông Quang cho biết thêm.

Những năm qua, do giá mủ cao su xuống thấp nên người dân ít chăm sóc, thậm chí nhiều hộ đã chặt cao su để trồng cây khác, làm cho diện tích cây cao su của xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa giảm từ 457,7ha (trước năm 2017) nay chỉ còn 103ha cao su. Trước tín hiệu mừng khi giá cao su tăng, nhiều bà con nông dân đã trở lại chăm sóc cây cao su theo đúng chu kỳ.
 
Giá mủ cao su trên thị trường đang dần hồi phục và là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, để cây cao su phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân nên chú trọng khai thác một cách hợp lý, không nên mở rộng diện tích và trồng cao su ngoài vùng quy hoạch của tỉnh.
 
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện toàn tỉnh có gần 4.200 ha cao su, tập trung 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Năm nay giá mủ tăng, tuy nhiên năng suất không cao vì vườn cao su thiếu sự chăm sóc với thời tiết bất thường. Sản lượng thu hoạch mủ thô thu đến nay được 2.450 tấn. Sản lượng này tăng 110,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ đạt một nửa so với kế hoạch (kế hoạch thu 5.000 tấn).
 
 
Nguồn: KTNT