Hóa giải bài toán ô nhiễm trong sản xuất mây tre đan
10/11/20 10:23AM
Với mong muốn chung tay chống rác thải nhựa và nâng cao thu nhập cho người dân, HTX gia công mây tre đan và kinh doanh trồng rừng xã Hòa Bình (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) đã chú trọng sản xuất những sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên.

Ông Lâm Văn Hải, Giám đốc HTX, cho biết đơn vị nhận được nhiều đơn hàng sản xuất những sản phẩm nội thất từ mây tre đan một phần là chất lượng sản phẩm, phần khác là do văn hóa tiêu dùng ngày càng ưa thích sử dụng các vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường.

Gia công sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường

Công việc chính của HTX là gia công đồ nội thất. Cụ thể, HTX liên kết với một doanh nghiệp ngoài tỉnh để lấy nguyên liệu, sau đó mang về cho công nhân gia công thành các sản phẩm. Cách liên kết này giúp HTX giảm bớt được việc ô nhiễm môi trường vì hạn chế nguồn chất thải từ quá trình sơ chế nguyên liệu. Nguồn mây tre HTX nhập về cũng được doanh nghiệp xử lý mối mọt ngâm hóa chất XM5 – một loại thuốc bảo quản lâm sản dễ sử dụng và rất an toàn cho người dùng.

Sau khi gia công, sản phẩm sẽ được chuyển ngược lại cho phía doanh nghiệp để thực hiện các khâu nhúng keo, sơn màu, phủ bóng bề mặt, cắt tỉa lại sao cho hoàn chỉnh nhất.

Với cách làm như vậy, nếu tính lợi nhuận thì HTX không được nhiều. Thế nhưng quan trọng hơn cả là giải quyết được những khó khăn trong ô nhiễm môi trường mà nếu sản xuất theo phương pháp thủ công sẽ không thể giải quyết được.

Ông Lâm Văn Hải cho biết, HTX đã đi thực tế tại nhiều làng nghề và nhận thấy việc xử lý nguyên liệu mây tre đan như sấy, tẩy phải sử dụng những hóa chất nhất định. Nếu không đầu tư theo hướng hiện đại, khép kín thì rất khó đáp ứng được chất lượng sản phẩm mà lại tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

ghe-may-6417-1604309848.jpg

Ngoài đồ gia dụng, sản phẩm nội thất như bàn ghế cũng là mặt hàng chủ lực được HTX nhận gia công.

Nhờ mối liên kết với doanh nghiệp, HTX có thể chủ động trong sản xuất lại có thể tạo được việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động ở nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn, bên cạnh đó là không phải lo lắng vấn đề đầu ra.

Chị Hứa Thị Bé, thôn Tà Chu, xã Hòa Bình cho biết: Trước đây, kinh tế của gia đình chị chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô. Từ khi được làm trong HTX, đời sống gia đình được cải thiện đáng kể. Trung bình thu nhập của chị hiện là 4 – 4,5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ chị Bé, khoảng 500 hộ dân khác trên địa bàn xã Hòa Bình đã có thêm thu nhập, cải thiện đời sống từ khi tham gia vào HTX. Theo đại diện UBND xã Hòa Bình, nghề sản xuất mây tre đan phù hợp với nhiều lứa tuổi nên thu hút được người dân trong xã tham gia. Từ đó HTX đã góp phần vào giải quyết việc làm, từng bước giúp các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế.

Linh hoạt trong sản xuất

Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, cách sử dụng công nhân của HTX rất linh hoạt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và đảm bảo đủ lượng hàng cung cấp cho đối tác, HTX đã mở nhiều chi nhánh, địa điểm gia công ở nhiều vùng khác nhau. Nếu vùng này, người dân bận làm mùa thì có vùng khác làm và ngược lại. Như vậy, người dân vẫn đảm bảo sản xuất nông nghiệp của gia đình mà vẫn có việc làm ổn định trong thời điểm nông nhàn.

xuat-khau-3731-1604309848.jpg

 HTX và doanh nghiệp là sợi dây liên kết giúp ngành thủ công mỹ nghệ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Với cách làm phù hợp, số lượng lao động trong HTX tăng nhanh chóng. Đến nay, HTX đã mở rộng ra được 12 chi nhánh ở cả trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, HTX còn mở các điểm gia công nhỏ tại một số xã trên địa bàn huyện Bình Gia cũng như tạo điều kiện cho người dân một số xã tự mang nguyên liệu về để thực hiện khâu gia công tại nhà.

Thời gian qua, HTX cũng phối hợp với doanh nghiệp, các trung tâm dạy nghề để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Khi các học viên kết thúc khóa học, học viên sẽ vào làm việc tại HTX. Còn đối với sản phẩm sẽ được doanh nghiệp thu mua phục vụ xuất khẩu. Đó là cách đi rất bền vững và hiệu quả.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX gia công được 4.000-5.000 sản phẩm nội thất, đồ gia dụng, trong đó tập trung chủ yếu vào bàn, ghế. Từ những kết quả bước đầu như vậy cộng với nắm bắt xu hướng phát triển mô hình từ phía đối tác, hiện nay, HTX tiếp tục có kế hoạch mở rộng mô hình ra nhiều điểm khác trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng các đơn hàng lớn của doanh nghiệp cũng như tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Như Yến/Theo KTDN