Làng “Đệ nhất cam Xã Đoài”
02/02/21 02:03PM
Hằng năm, cứ vào dịp lễ Noel, người dân ở làng Xã Đoài lại nhộn nhịp đón khách thập phương về tham quan và đặt mua cam tại vườn, để thưởng thức, hoặc làm quà biếu vào dịp Tết Nguyên đán.
t60d.JPG
Ông Hưởng trong vườn cam Xã Đoài của gia đình.

Đặc sản cam Xã Đoài xứ Nghệ được mua với giá rất cao, dao động từ 60 - 80 ngàn đồng/quả, nhưng năm nào cũng “cháy” hàng.

“Đệ nhất cam”

Sở dĩ  làng Xã Đoài (thuộc các xóm 7, 8, 9, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) được khắp nơi biết đến là vì nơi đây trồng được loại cam “độc nhất vô nhị”. Từ lâu, cam Xã Đoài đã trở thành đặc sản nức tiếng xứ Nghệ; được khách thập phương xếp vào loại “đệ nhất cam”.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cam đang bước vào mùa thu hoạch, anh Nguyễn Duy Hiệp phấn chấn nói: “Gia đình có truyền thống trồng loại cam đặc sản này. Hiện tại, trong số 50 cây cam trong vườn thì có đến 20 cây có độ tuổi 70 năm, được trồng từ thời cố nội, còn lại được trồng hơn 30 năm nay. Là  người trồng cam, chúng tôi khẳng định rằng, nói đến đặc sản cam Xã Đoài, thì chỉ duy nhất ở làng này mới có”.

Nói về đặc tính của cam Xã Đoài, anh Hiệp bộc bạch: Có lẽ do thổ nhưỡng và nguồn nước ở làng chúng tôi đã tạo nên vị ngọt và hương thơm  vượt trội của loại cam này mà tất cả các loại cam khác không thể sánh được. Đặc điểm để nhận diện quả cam Xã Đoài là vỏ mỏng đều, mịn và có màu vàng tươi khi chín, sau đó sẽ chuyển dần sang màu vàng sẫm; mùi hương thơm dịu tỏa ra khi bổ cam; ruột vàng óng ánh và nước cam ngọt thanh, không chua, ăn vào có chất kết dính như mật ong ở ngay đầu lưỡi; quả mọng nước, trọng lượng 200 - 250g.

“Toàn bộ cam trong vườn đã được khách đặt mua với giá 70 ngàn đồng/quả. Khách đến vườn đặt mua từng quả ở trên cây, rồi nhờ gia đình bảo quản cho đến  20 tháng Chạp, sẽ đến trực tiếp hái cam. Vào những ngày kề cận Tết Nguyên đán năm ngoái, khách hàng đặt mua với giá 100 ngàn đồng/quả, nhưng gia đình  không còn cam để bán”, anh Hiệp nói.

Rời nhà anh Hiệp, chúng tôi đến thăm vườn cam của ông Phan Công Hưởng, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nghi Diên. Vườn cam Xã Đoài của gia đình ông Hưởng có đến 200 cây, được trồng thành từng hàng. Quả chín vàng trộn lẫn với quả xanh trĩu cành.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hưởng phấn khởi: “Năm nay, gia đình có khoảng 4.000-5.000 quả để bán. Đến thời điểm này, đại đa số cam trong vườn đã được khách hàng đặt mua. Nhận thấy giá trị quý hiếm của loại cam đặc sản này, nên tôi đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ tiến hành quy hoạch, chuyển đổi đất sản xuất lúa của gia đình sang trồng cam Xã Đoài. Vườn cam đã cho thu hoạch được mấy vụ, thu lãi cao”.

“Hạt nhân” của cam Vinh

Không chỉ là loại quả được xếp đầu bảng trong thương hiệu cam Vinh, đặc sản cam Xã Đoài từ lâu đã đi vào làn điệu dân ca Ví Giặm – một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: “Cam Xã Đoài xứ Nghệ/ Càng chín lại càng ngon”.

Nhìn nhận về đặc tính của cam Xã Đoài, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng bộ môn nghiên cứu về rau, hoa, quả ( Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ) đánh giá: “Trong  nhóm cam quả tạo nên thương hiệu cam Vinh, thì cam Xã Đoài là “hạt nhân”, được xếp đầu bảng, sau đó mới đến cam sông Con, cam Vân Du… Hương vị và độ ngọt của đặc sản cam Xã Đoài thì không có loại cam nào sánh được. Đặc tính của cam Xã Đoài là riêng biệt, không chung loài với bất cứ loại cam nào. Điều kỳ lạ của cam Xã Đoài là ở chỗ: Sau khi bình tuyển và phục tráng thành công, chúng tôi có đưa cây giống lên trồng thử ở vùng đất huyện Con Cuông (Nghệ An), nhưng quả không còn mùi vị như trồng ở làng Xã Đoài”.

Nhờ đặc tính thơm, ngon vượt trội hơn hẳn tất các loại cam khác nên cam Xã Đoài được nhiều người chọn làm món quà Tết thượng hạng. Tuy được mua với giá cao, nhưng hiện tại diện tích trồng loại cam đặc sản này ở làng Xã Đoài đang có xu hướng thu hẹp, vì thiếu quỹ đất. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm quy hoạch quỹ đất và xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, để người dân làng Xã Đoài tiếp tục phát triển loại cam quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.

                                                                                                                                   Nguồn; KTNT