Phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển có nhiều tiềm năng, lợi thế
22/09/22 11:45AM
Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng nghề nuôi cá lồng bè trên biển vẫn chưa phát triển xứng tầm và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, cần chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời có giải pháp nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tiềm năng lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả

Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha, nuôi vùng biển xa bờ 100.000ha. Một số đối tượng chính được đưa vào phát triển như: cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển...

 

z3722971745846_7a45878af4f3e429198fe32e773dd4ad.jpgTham quan trang trại nuôi biển và trải nghiệm STP tại đảo Phất Cờ, xã Hạ Long (Vân Đồn - Quảng Ninh).

 

Hình thức nuôi lồng bè đang phát triển tại một số địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Cả nước hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng sản xuất thực tế đạt 509 triệu con và 387 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, sản lượng sản xuất thực tế đạt 41,1 tỷ con. Thức ăn cho nuôi biển được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập khẩu. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển công nghiệp. Thức ăn tự chế tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các loài cá tạp được sử dụng khá phổ biến trong nuôi biển, đặc biệt nuôi cá biển.

Tuy tiềm năng nuôi hải sản trên biển của Việt Nam là rất lớn nhưng chưa khai thác được nhiều và còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Hoạt động nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát; công nghệ, kỹ thuật nuôi còn thấp; điều kiện tự nhiên các vùng khác nhau, phức tạp, thường gặp bão lũ; vốn đầu tư cao hơn nhiều so với hoạt động nuôi bình thường; các sản phẩm của nuôi biển chưa có nhà máy thu mua chế biến chuyên sâu, chủ yếu tiêu thụ ở hình thức mặt hàng tươi sống tại chợ và các nhà hàng, một phần nhỏ được xuất qua đường tiểu ngạch.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên môi trường biển đang có sự thay đổi lớn, thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên, khó dự báo, gây thiệt hại lớn trong nuôi biển. Thêm vào đó, ô nhiễm môi trường nước do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dọc theo bờ biển và lưu vực các sông, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá lồng bè.

Giải pháp đồng bộ

Hiện nay, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nuôi cá lồng bè trên biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số mô hình do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện đã đem lại hiệu quả bước đầu như: Dự án xây dựng mô hình nuôi biển cá giò tại tỉnh Khánh Hòa, dự án đưa khoa học kỹ thuật và đem lại lợi nhuận trực tiếp cho người dân tham gia mô hình, trung bình đạt 30 triệu đồng/100 m3.

Hoặc dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm” được triển khai tại Quảng Ninh và Khánh Hòa. Sau khi nuôi được 10 tháng, mô hình đạt lợi nhuận   697.440.000 đồng/1.000 m3 lồng, tỷ suất lợi nhuận đạt 43,06%.

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai một số giải pháp như: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm các đối tượng cá biển, tôm biểm, ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE, sử dụng thức ăn công nghiệp giảm thức ăn cá tạp, ứng dụng công nghệ thông tin giám sát môi trường, dịch bệnh, quản lý sức khoẻ đàn cá nuôi.

Lựa chọn địa bàn triển khai nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi biển nhằm khai thác lợi thế, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro. Đồng thời, phát triển nuôi thuỷ sản biển đảo gắn với phát triển văn hoá cộng đồng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững nghề nuôi thuỷ sản.

Các địa phương thực hiện quy hoạch vùng nuôi biển tập trung và quản lý quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ. Phát triển nuôi biển thành quy mô công nghiệp, sản xuất hàng hóa, lồng bè tập trung thành vùng nguyên liệu, tạo sự đột phá trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Ưu tiên phát triển nuôi trồng các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh…

Liên quan đến việc giúp người dân có thêm kiến thức áp dụng thực tế vào việc nuôi trồng thủy sản của gia đình, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển”. Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã sôi nổi thảo luận, tập trung vào một số vấn đề: Các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp khoa học công nghệ nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển, trong đó tập trung vào quy trình công nghệ nuôi và sản xuất con giống, vấn đề thức ăn và dinh dưỡng phục vụ nuôi biển; việc áp dụng công nghệ mới, vật liệu nuôi biển thích hợp và kỹ thuật lắp đặt; Vấn đề kiểm soát, quản lý môi trường biển...

Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề: Xây dựng đề án phát triển vùng nuôi; Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; Quy hoạch, quản lý, tổ chức sản xuất nghề nuôi cá lồng bè trên biển tại các địa phương; Công tác đào tạo nguồn nhân lực….

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh): “Hiện nay, lợi thế nuôi biển tại Quảng Ninh là rất lớn, tỉnh đã ban hành kế hoạch tập trung, rà soát lại quy hoạch, những vùng có tiềm năng, sắp xếp lại diện tích nuôi thủy sản trong 3 hải lý để giảm bớt mật độ phục vụ cho ngành kinh tế khác. Từ 3 đến 6 hải lý, rà soát sắp xếp nuôi trồng thủy sản trên cơ sở bảo vệ môi trường và tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch. Ngoài 6 hải lý, tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ phát triển nuôi ở vùng đó, tạo vùng nguyên liệu phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Cùng với đó là liên kết vùng từ vĩ tuyến 17 trở ra, đối với con tôm Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, để tạo vùng nguyên liệu lớn. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung đầu tư phát triển nuôi biển theo quy mô công nghiệp, hiện đại đưa tỉnh trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ các vùng nuôi biển tập trung xa bờ tại Quảng Ninh.

Chia sẻ thông tin tại diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết, để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển, cần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm các đối tượng cá biển, tôm biển, ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE (lồng nuôi có khung làm bằng nhựa HDPE), sử dụng thức ăn công nghiệp, giảm thức ăn cá tạp, ứng dụng công nghệ thông tin giám sát môi trường, dịch bệnh, quản lý sức khoẻ đàn cá nuôi cho người dân. Hơn nữa, việc xây dựng mô hình, dự án nuôi cá biển, tôm hùm có trách nhiệm gắn với các mô hình tổ chức sản xuất của nông dân trong đó lấy hợp tác xã là nòng cốt, nông dân làm trung tâm với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho ngư dân.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển nghề nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu mét khối; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu mét khối; sản lượng nuôi biển đạt 1.450.000 tấn.

Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn. Xây dựng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước. Hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh, thành trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng.

                                                                                                                        Theo: KTNT