World Bank sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án trồng 1 triệu ha lúa
09/03/23 08:17AM
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam vừa làm việc với Ngân hàng Thế giới về hỗ trợ thực hiện Đề án "1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Phát biểu tại buổi làm việc hôm 7/3, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh đây là đề án lớn được Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ và là mong muốn của người dân ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị lúa gạo, nâng cao thu nhập và tổ chức sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, đảm bảo thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đánh giá sơ bộ về vùng ĐBSCL thứ trưởng cho biết, ĐBSCL không chỉ gặp những thách thức về biến đổi khí hậu, tổ chức sản xuất. Trong khi lúa là nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu đảm bảo an ninh lương thực, nhưng thu nhập của người nông dân trồng lúa lại rất thấp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam làm việc với Ngân hàng Thế giới

"ĐBSCL đang có xu hướng chuyển đổi trồng lúa sang các loại cây khác có thu nhập cao hơn, song nếu tình trạng này diễn ra, vấn đề an ninh lương thực sẽ bị đe dọa. Chúng tôi quyết tâm giữ 3,8 triệu ha lúa nhưng vẫn phải làm sao đảm bảo thu nhập cho người nông dân”, ông Trần Thanh Nam nêu vấn đề quan tâm khi triển khai dự án.

Về phần mình, Ngân hàng Thế giới (World Bank), bà Zhou Cheng, Chuyên gia cao cấp về Tài chính khí hậu  giới thiệu, Quỹ Tài chính các bon chuyển đổi (TCAF) là quỹ ủy thác của World Bank hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện định giá các bon dựa trên thị trường và tạo điều kiện cho các đầu tư của khu vực tư nhân vào công nghệ các bon thấp.

Mục đích của TCAF là khuyến khích Việt Nam chuyển đổi sang phát triển lúa gạo chất lượng cao và phát thải các bon thấp bằng cách bổ sung hỗ trợ tài chính về khí hậu/các bon dựa trên kết quả.

Bà Zhou Cheng, Chuyên gia cao cấp về Tài chính khí hậu World Bank

Theo đó, TCAF có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” thông qua xây dựng một dự án hỗ trợ không hoàn lại cho việc tập huấn, đào tạ, xây dựng hệ thống đo đếm - báo cáo - thẩm định (MRV) về mức độ giảm phát thải và thông qua quỹ có thể giới thiệu, kết nối với các nhà mua tín chỉ các bon. TCAF cũng có thể hỗ trợ tư vấn cho Việt Nam đưa ra lựa chọn phương án bán tín chỉ các bon trên thị trường thế giới.

Đối với Đề án 1 triệu ha lúa, dự kiến TCAF sẽ hỗ trợ 20 triệu USD cho giai đoạn 1, là phần tài trợ không hoàn lại, và 20 triệu USD từ Quỹ Tài chính các bon (SCALE) dùng để mua khoảng 5-10% tín chỉ các bon được chứng nhận từ chương trình 1 triệu ha phụ thuộc vào Chính phủ có quyết định chuyển nhượng hay không. 

Dự kiến pha 1 sẽ gồm 20 triệu USD từ Quỹ Tài chính các bon chuyển đổi (TCAF), đây là phần tài trợ không hoàn lại, và 20 triệu USD từ Quỹ Tài chính các bon (SCALE) dùng để mua khoảng 5-10% tín chỉ các bon được chứng nhận từ chương trình 1 triệu ha phụ thuộc vào Chính phủ có quyết định chuyển nhượng hay không. Mục đích là thí điểm để sau này Việt Nam có thể chuyển nhượng cho các nước khác.

Dự kiến, World Bank sẽ tạm ứng trước 10 triệu USD từ Quỹ TCAF để xây dựng đường cơ sở (MRV), đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực, liên quan trực tiếp vùng thuộc Dự án VnSAT. Phần 10 triệu USD còn lại của Quỹ TCAF chỉ có khi Việt Nam ký tham gia MOPA (chi trả dựa trên kết quả có xác thực). Để có được khoản hỗ trợ 10 triệu USD đầu tiên, Việt Nam cần ký Ý định thư với World Bank để ủng hộ Đề xuất dự án (PIN). Ở giai đoạn 2, TCAF huy động thêm nguồn vốn từ Quỹ SCALE của World Bank khoảng 60 triệu USD.  

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao hỗ trợ của World Bank và TCAF đối với dự án, song ông khẳng định đây là một dự án khó với nhiều thách thức đến từ vấn đề chuyển đổi nhận thức người nông dân, vấn đề xâm nhập mặn, vấn đề thị trường.

Lãnh đạo NN-PTNT cũng cho biết, một trong những khó khăn khi triển khai Đề án này là đầu tư về hệ thống thủy lợi.

Thứ trưởng kêu gọi World Bank có dự án hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp để đầu tư hệ thống thủy lợi ở vùng thực hiện trồng lúa giảm phát thải.

                                                                                                            Theo: KTNT