Xuất khẩu nông sản đối mặt hàng loạt thách thức
05/03/19 03:59PM
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức nội cộm cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt khi đặc điểm quy mô sản xuất nhỏ, phân tán của nông nghiệp Việt chưa thể đổi thay trong "ngày một ngày hai".
xuat khau nong san doi mat hang loat thach thuc lon
Đối mặt nhiều khó khăn, mục tiêu xuất khẩu nông sản 43 tỷ USD không hề đơn giản trong năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh

Khó trong khó ngoài

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Cả năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ một số khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Cụ thể, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, thách thức, nguy cơ còn đến từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

"Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn từ biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2015-2018, mỗi năm Việt Nam thiệt hại từ 1-2 tỷ USD từ thiên tai", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra: Thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Liên quan tới vấn đề này, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đánh giá: 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng tích cực. Nhiều thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được mở rộng. "Tuy nhiên, hiện nay, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch thực vật đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường ", ông Sơn nói.

Xác định rõ mặt hàng, thị trường ưu tiên

Theo ông Sơn, muốn xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông, thủy sản, Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng; đồng thời tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên.

Ông Sơn cũng cho rằng, từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chủ động nghiên cứu thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.

Xung quanh câu chuyện xuất khẩu nông sản, điển hình là mặt hàng chanh leo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Nafoods Group nêu quan điểm: Xúc tiến thương mại mở thị trường cần mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc. “Hiện, doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc theo con đường chính ngạch mà vẫn phải xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và xuất khẩu qua đối tác Thái Lan. Tôi kiến nghị, phải có giải pháp, thủ tục để cho trái chanh leo nói riêng và nhiều loại trái cây khác có thể nhanh chóng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, ông Hùng nhấn mạnh.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Quang-Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề xuất thời gian tới cần có chính sách bình ổn giá nông sản, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT thúc đẩy hỗ trợ, tìm kiếm ký kết các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa tập trung cấp nhà nước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; cung cấp thêm thông tin, nhu cầu thị trường, tăng xúc tiến thương mại, củng cố thị trường truyền thống và mở thị trường mới. "Riêng với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT cần tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, có những hướng dẫn cụ thể về điều kiện, quy định... của thị trường này", ông Quang nói.

Năm 2019, Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng GDP trên 3%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân, xây dựng các mô hình theo chuỗi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuổi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ... để thúc đẩy tiêu thụ trong nước...
Thanh Nguyễn\Theo Hải Quan