Hoàn thiện công nghệ vi nhân giống quy mô công nghiệp và sản xuất các giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98
22/02/23 04:33PM
Chủ đề: Lâm nghiệp

Tên dự án: Hoàn thiện công nghệ vi nhân giống quy mô công nghiệp và sản xuất các giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98

Thuộc chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2020

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm dự án: ThS. Cấn Thị Lan

Các cá nhân tham gia dự án: ThS. Nguyễn Thị Thu Dung; ThS. Phan Đức Chỉnh; TS. Đỗ Hữu Sơn; ThS. Triệu Thị Thu Hà; ThS. Kiều Thị Hà; KS. Lê Thị Xuân Quỳnh; KS. Ngô Văn Chính; ThS. Quách Mạnh Tùng; KS. Hà Thị Lệ

Thời gian thực hiện: 2019-2020

Kinh phí thực hiện: 7.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 08/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 15 tháng 10 năm 2021 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Dự án tối ưu hóa phương pháp, kỹ thuật nhân giống in vitro cho 3 giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98 như sử dụng Javen 5% trong khoảng thời gian 10-15 phút thay thế cho thủy ngân clorua đã hạn chế sự độc hại đối với con người và môi trường (đạt 77,8 – 84,4% mẫu sống, với 42,2 – 57,8% mẫu nhiễm, tỷ lệ mẫu bật chồi hữu hiệu là 34,2 - 38,6%); cải tiến môi trường nhân nhanh chồi bằng cách bổ sung thêm 30 mg/l Adenin Sulfate ở trong 4 chu kỳ nhân đầu tiên giúp tăng hệ số nhân chồi từ 2,5 lần lên đến 3,3 lần; cải tiến môi trường nâng cao chất lượng chồi bằng cách bổ sung 1,5 g/l than hoạt tính để tăng tỷ lệ chồi hữu hiệu từ 69,4% lên đến 90%, và chất lượng chồi tốt hơn, chồi cứng cáp hơn, rất thích hợp với giai đoạn ra rễ; Cải tiến môi trường ra rễ để tăng tỷ lệ ra rễ từ 85% lên đến 97,2%, số rễ/cây từ 2,2 lên đến 3,8; rễ đẹp, mập và cứng cáp, màu trắng; giảm thời gian xuất hiện rễ từ 8-10 ngày xuống còn 7 ngày và thời gian bộ rễ phát triển hoàn chỉnh giảm từ 20 ngày xuống còn 15 ngày, giảm thời gian huấn luyện cây con từ 6 - 10 ngày xuống còn 6 ngày. Từ đó xây dựng, hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi cấy mô cho 3 giống nêu trên ở quy mô công nghiệp. Quy trình này đã được Bộ NN&PTNT công nhận là Tiến bộ kỹ thuật.

Dự án đã chuyển giao giống gốc, xây dựng được 03 vườn cây đầu dòng (1.000 m2 /vườn), đào tạo và tập huấn quy trình kỹ thuật vi nhân giống 3 giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98 ở quy mô công nghiệp cho 3 đơn vị sản xuất gồm Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định), Công ty CP giống Lâm nghiệp vùng Nam Bộ (Tp. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH giống cây trồng Nông lâm nghiệp Nam Việt (Quảng Bình).

Mô hình nhân giống của dự án đã sản xuất được 3,113 triệu cây trong đó có 54.000 cây giống xây dựng mô hình khảo nghiệm và mô hình rừng trồng, 9.000 cây giống xây dựng 03 vườn cây đầu dòng. Các đơn vị phối hợp, mỗi đơn vị sản xuất được 950.000 đến 1.100.000 cây giống/năm. Nghiên cứu cho thấy mô hình khảo nghiệm giống tại Bình Định chưa có sự sai khác rõ rệt về sinh trưởng đường kính gốc, chiều cao, chỉ tiêu chất lượng thân cây và tỷ lệ sống giữa các giống. Nghiên cứu hoàn thiện số liệu đánh giá sinh trưởng tại các khảo nghiệm đã xây dựng trong giai đoạn trước đã xác định được giống Keo lá tràm Clt98 là giống triển vọng ở vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226298-6300/GGN 22-01-015)