Nghiên cứu bệnh dán cao, bệnh thối rễ hại chè và biện pháp quản lý tổng hợp ở các tỉnh miền núi phía Bắc
27/12/22 03:31PM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu bệnh dán cao, bệnh thối rễ hại chè và biện pháp quản lý tổng hợp ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Tổ chức chủ trì: Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Trần Đặng Việt

Đồng chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thúy Kiều Tiên

Các cá nhân tham gia đề tài: KS. Nguyễn Thị Thu Hà; TS. Nguyễn Văn Thiệp; ThS. Phạm Huy Quang; ThS. Hà Thị Vân Anh; KS. Nguyễn Hải Yến; ThS. Mai Văn Quân; TS. Trần Xuân Hoàng; CN. Nguyễn Thị Kim Linh; KS. Lê Hồng Thịnh; TS. Trịnh Thị Kim Mỹ; ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh

Thời gian thực hiện: 01/2016-12/2020

Kinh phí thực hiện: 3.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1390/QĐ-BNN-KHCN ngày 02 tháng 4 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 13 tháng 4 năm 2021 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả nghiên cứu cho thấy nguyên nhân gây bệnh dán cao do nấm Septobasidium pseudopedicellatum gây ra; bệnh thối rễ hại chè là do tổ hợp 2 nấm Rosellinia sp., và nấm Lasiodiplodia theobromae gây ra, trong đó Rosellinia sp., gây hại nhiều hơn Lasiodiplodia theobromae. Đối với nấm Septobasidium pseudopedicellatum gây bệnh dán cao phát triển thuận lợi trên môi trường PDA, PDB với pH môi trường 6-6,5; nhiệt độ 25°C. Bệnh dán cao phát sinh gây hại vùng có điều kiện mát, độ ẩm cao (Sơn La và Lai Châu), bệnh phát triển mạnh ở nương chè đã khép tán, có trồng xen, có cây che bóng và tập trung hại năng từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đối với hai loài nấm gây ra bệnh thối rễ chè, có đặc điểm khá tương đồng về sinh trưởng nhanh trong nuôi cấy invitro, phát triển thuận lợi nhất ở điều kiện nhiệt độ 25-30°C, môi trường PDA, PDB và pH môi trường 5,5-6,5. Diễn biến bệnh phức tạp, bệnh gây hại chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 11, hại nhiều trên các giống chè tuổi lớn như PH1 hơn là giống LDP2, LDP1 tuổi nhỏ.

Đề tài đã đưa ra biện pháp quản lý bệnh dán cao theo quy trình quản lý tổng hợp bệnh dán cao và biện pháp quản lý bệnh thối rễ hại chè theo quy trình quản lý tổng hợp bệnh thối rễ hại chè. Nghiên cứu đã triển khai 2 mô hình quản lý tổng hợp bệnh dán cao tại Sơn La, tổng diện tích 1,4ha. Kết quả giảm chỉ số bệnh hại 41,36% - 51,39%, tăng năng suất chè 12,15-30,64%, tăng hiệu quả 12,36-34,96% so với mô hình đối chứng. Đồng thời, xây dựng được 01 mô hình quản lý bệnh thối rễ hại chè với 1,4 ha diện tích. Kết quả cây chè sinh trưởng tốt, hạn chế được bệnh thối rễ phát triển và tăng hiệu quả sản xuất 18,28% đối với mô hình áp dụng quản lý bệnh đối với nương chè đang sản xuất.

 (Nguồn: Thông báo kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN số 7/2022-19572)