Nghiên cứu các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh trên tôm sú (P. monodon) và tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long
08/09/14 09:17AM
Chủ đề: Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh trên tôm sú (P. monodon) và tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long

Cơ quan chủ trì: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Văn Hảo

Thời gian thực hiện đề tài: 2011

 

Kết quả nghiên cứu:

 

          Hầu hết các trang trại nuôi tôm trong vùng khảo sát không có ao lắng và xử lý nước thải. Các nông hộ đều dùng thuốc diệt giáp xác trong cải tạo ao, hệ quả của việc này là tồn lưu một lượng lớn thuốc diệt giáp xác đã được phát hiện trong một số ao nuôi. Các ao ở trang trại lớn có độ kiềm luôn được duy trì trong khoảng thích hợp cho nuôi tôm (> 90 mg/L). Ở trang trại trung bình có độ kiềm thấp hơn nhưng cũng nằm trong cho phép tôm nuôi phát triển. Sự biến động đáng kể về tổng Nito và tổng phosphor trong nước dẫn đến sự tăng giảm khác nhau của Vibrio, Protozoa và tảo. Khi nồng độ TN rất cao (tỉ lệ N/P >20), lượng chất hữu cơ, chất thải trong ao nhiều làm cho mật độ Vibrio tổng số và Protozoa tăng cao. Ngược lại, khi TP cao (N/P < 5) tạo điều kiện cho tảo phát triển, nhất là nhóm tảo lam và tảo mắt.

          Hội chứng hoại tử gan tụy xuất hiện sớm nhất ở ngày thứ 17 và muộn nhất ở ngày thứ 77 sau khi thả tôm vào ao. Tần xuất xuất hiện hoại tử cao nhất từ 20-45 ngày. Trường hợp tôm đang chết ghi nhận tỷ lệ hoại tử cao trong quần đàn ở mức biến động cao (10-90%). Đối với các ao ghi nhận có hoại tử đều phải thu hoạch sớm. Thời gian thu hoạch sớm nhất là 19 ngày (xả bỏ), thời gian thu hoạch trung bình từ 2-2,5 tháng.

          Cypermethrin ảnh hưởng mạnh đến tỷ lệ sống và hoại tử gan tụy dạng 1 của tôm sú nuôi trong điều kiện thực nghiệm trong nhà kín. Ở nồng độ 0,05 ppb tôm chết 100% trong vòng 10 ngày, các nồng độ thấp hơn ghi nhận tỷ lệ chết từ 30-76% trong 35 ngày thí nghiệm. Tôm đối chứng và tôm chết cấp tính không có dấu hiệu hoại tử 1. Tôm chết bắt đầu có dấu hiệu hoại tử 1 vào các ngày 7, ngày 16 và ngày 12 lần lượt ở các nồng odoj 0,01; 0,001 và 0,0001 ppb Cypermethrin và tổng số tôm chết thu mẫu cho phân tích mô học có tỷ lệ hoại tử gan tụy dạng 1 lần lượt là 13,8; 14,3 và 42,9%.

          Hoại tử 1 và 2 được ghi nhận trong hổi chứng hoại tử gan tụy, tác nhân gây bệnh là vi sinh vật không được tìm thấy. Bản chất của hội chứng hoại tử gan tụy có liên quan chặt chẽ với việc sử dụng thuốc diệt giáp xác. Có thể khẳng định thuốc diệt giáp xác thuộc nhóm Pyrethroid là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng hoại tử gan tụy.

         

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20101384)