Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
13/07/22 10:47AM
Chủ đề: Nuôi trồng thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Hải sản

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Đỗ Văn Khương, ThS. Đỗ Anh Duy

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Nguyễn Văn Nguyên, ThS. Đinh Thanh Đạt, PGS.TS. Nguyễn Xuân Lý, GS.TS. Đặng Diễm Hồng, ThS. Trần Mai Đức, TS. Phạm Đức Thịnh, PGS.TS. Đàm Đức Tiến, KS. Lê Nhứt

Thời gian thực hiện: 11/2016-10/2019

Kinh phí thực hiện: 7.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 4014/QĐ-BKHCN ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ

Nghiệm thu: ngày 05 tháng 03 năm 2020 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã nghiên cứu đặc trưng về điều kiện tự nhiên, sinh thái, môi trường các đảo tiền tiêu. Phân tích và đánh giá đa dạng thành phần loài, đặc điểm phân bố và trữ lượng, tiềm năng nguồn lợi, khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế nơi đây. Xây dựng định hướng phát triển và quản lý nguồn lợi rong biển vùng nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình nuôi trồng rong nho biển trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: Rong sinh trưởng và phát triển tốt, các nhánh đứng mọc dày, màu xanh đậm, chiều dài thân đứng rong thành phẩm trung bình đạt từ 6-8 cm, trái to mọng và đều ở hầu hết chùm. Sau 35 ngày nuôi trồng, năng suất toàn tản đạt khoảng 4.604 ± 785 g rong tươi/vỉ lưới; tốc độ tăng trưởng đạt 1,78 ± 0,26 %/ngày; tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản đạt 63,0 ± 3,72%; trong đó tỷ lệ khối lượng thân đứng trên 5 cm (phần sử dụng làm thực phẩm) so với toàn tản đạt 29,2 ± 1,92%; khối lượng rong thu hoạch trung bình đạt khoảng 1.346 ± 154 g/vỉ lưới. Tổng sản lượng rong nho thành phẩm nuôi trồng trong hai năm 2018 và 2019 đạt 1.051 kg rong tươi.

Mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận: rong sinh trưởng và phát triển tốt, có màu nâu vàng, các bụi rong sụn có đường kính thân trung bình từ 6-7 mm, chiều dài tản dao động từ 40-50 cm. Sau 60 ngày nuôi trồng, năng suất trung bình đạt 700 ± 68 g rong tươi/bụi; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,74 ± 0,19 %/ngày. Tổng sản lượng rong sụn thương phẩm nuôi trồng trong hai năm 2018 và 2019 đạt 11.480 kg rong tươi (khoảng 1.276 kg rong khô).

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- 20-12-271)