Nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống lúa nếp có mùi thơm, chịu mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
11/05/23 08:42AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống lúa nếp có mùi thơm, chịu mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổ chức chủ trì: Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Bùi Thanh Liêm

Các cá nhân tham gia nhiệm vụ: TS. Trần Đình Giỏi, TS. Nguyễn Thúy Kiều Tiên, TS. Phạm Ngọc Tú, TS. Huỳnh Văn Nghiệp, TS. Đặng Minh Tâm, TS. Trần Thị Thanh Xà, TS. Lã Cao Thắng, TS. Trần Ngọc Thạch, TS. Nguyễn Thị Phong Lan

Thời gian thực hiện: 09/2018-12/2020

Kinh phí thực hiện: 5.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 5254/QĐ- BNN-KHCN ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 27 tháng 11 năm 2020 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài tiến hành đánh giá nguồn vật liệu ban đầu phục vụ cho công tác chọn lọc các dòng trung gian, chọn lọc bố mẹ cho các tổ hợp lai các tính trạng mục tiêu. Các tính trạng về nông học và tính chống chịu mặn và kháng sâu bệnh thực hiện quan sát trên đồng và phân tích kiểu gen kháng/nhiễm. Nghiên cứu thực hiện sàng lọc và đánh giá bộ chỉ thị phân tử liên kết với các tính trạng mục tiêu như gen nếp wx, gen thơm badh2và gen chống chịu mặn Saltol, thông qua đó chọn lọc và xây dựng bộ chỉ thị chuyên biệt với 07 chỉ thị với hiệu quả cho bộ tính trạng mục tiêu cho các tổ hợp lai. Quy trình ứng dụng bộ chỉ thị phân tử chọn tạo giống lúa nếp thơm và chịu mặn với các gen chủ lực như wx, badh2 và Saltol cũng được phát triển và ban hành sử dụng.

Kết quả đã tạo nguồn vật liệu cho chọn lọc thông qua thực hiện được 250 tổ hợp lai hữu tính, 80 tổ hợp lai hồi giao và 80 tổ hợp lai chồng gen. Thực hiện nuôi cấy túi phấn của 10 tổ hợp lai Nếp/Nếp và Nếp/Lúa, nuôi cấy phôi trưởng thành của 10 giống lúa nếp cũng được tiến hành để khai thác nguồn biến dị sô ma trong công tác chọn tạo giống lúa nếp mới. Đánh giá và chọn lọc hơn 17.000 dòng ở điều kiện trên đồng, hơn 2000 dòng được đánh giá và đánh giá tính chống chịu mặn trong điều kiện nhà lưới. Trong đó có 10684 dòng từ các tổ hợp lai hữu tính, 3521 dòng từ các tổ hợp lai hồi giao và 2697 dòng từ các nguồn biến dị sô ma. Đánh giá đặc tính nông học, tính trạng chất lượng như hàm lượng amylose và mùi thơm, tính chống chịu mặn và kháng sâu bệnh của 41 dòng lúa nếp triển vọng. Chọn lọc được 10 dòng lúa nếp triển vọng có mùi thơm, chống chịu mặn nồng độ muối 6‰, trong đó có 05 dòng đã được đăng ký tên OM gửi khảo nghiệm quốc gia triển vọng OM27, OM28, OM30, OM31, OM32, 05 dòng triển vọng có mùi thơm, chống chịu mặn nồng độ muối 6‰, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và rầy nâu là các dòng LN9, LN11, LN12, LN16 và LN23.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-(22-12-005))