Sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm nguồn gen cá măng (Elopichthys bambusa, Richarson, 1844)
08/03/24 12:31PM
Chủ đề: Thủy sản

Tên dự án: Sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm nguồn gen cá măng (Elopichthys bambusa, Richarson, 1844) (mã số dự án: NVQG-2019/DA.01)

Thuộc Chương trình KHCN cấp Nhà nước về bảo tổn, sử dụng bền vững nguồn gen

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Võ Văn Bình

Các cá nhân tham gia dự án: ThS. Nguyễn Hải Sơn, KS. Phan Thanh Lâm, KS. Phan Văn Thọ, KS. Ngô Khánh Thùy Linh, KS. Nguyễn Hữu Quân, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Văn Tùng

Thời gian thực hiện: 2019-2022

Kinh phí thực hiện: 9.210 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 743/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 05 năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ 

Nghiệm thu: ngày 06 tháng 06 năm 2022 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Việc khai thác nguồn lợi cá măng thực hiện quanh năm nhưng tập trung vào tháng 5 đến tháng 9; ngư cụ khai thác chủ yếu là lưới rê và vó đèn. Vận chuyển cá măng bằng phương pháp vận chuyển kín cho kết quả tốt hơn vận chuyển hở; tỷ lệ sống sau vận chuyển 5 ngày chỉ đạt cao nhất 60%.

Mật độ nuôi vỗ cá Măng phù hợp trong ao là 1,8-2 kg, trong lồng là 4 kg/m3. Thành phần thức ăn cho cá măng gồm 50% cá Mè, 30% Giun đất và 20% Nhộng tằm để nuôi vỗ cá Măng bố mẹ trong ao và trong lồng cho kết quả tốt hơn so với việc sử dụng thức ăn chỉ là cá Mè. Nuôi vỗ cá măng trong lồng tốt hơn trong ao. Liều tiêm kích dục tố phù hợp để kích thích sinh sản cho cá Măng phù hợp nhất là 70µg LRH-A + 10mg DOM/kg cá cái; trong khi đo ấp bằng bình wei cho kết quả tốt nhất đạt tỷ lệ nở 59,7% Nghiên cứu sử dụng thức ăn công nghiệp dạng bột để tiến hành ương cá Măng cho thấy cá Măng bột ăn ít, cá tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp sau 30 ngày ương.

Ở giai đoạn cá hương lên cá giống thì thức ăn là động vật phù du, cá xay cho tỷ lệ sống trên 60%. Ương nuôi cá Măng trong lồng từ giai đoạn 4-6cm/con đến 18-20 cm/con đạt trung bình 19,4 cm/con với tỷ lệ sống trung bình đạt 44,2%. Mật độ nuôi cá Măng thương phẩm trong ao là 0,5 con/2 m2 cho kết quả tỷ lệ sống và tăng trưởng cao nhất. Thức ăn nuôi cá Măng thương phẩm là cá tạp tươi sống cho kết quả tốt nhất, cá đạt trung bình 2,1 kg nuôi lồng và 1,9 kg/con trong ao sau 18 tháng nuôi. Thức ăn là cám công nghiệp 45% protein cho kết quả tăng trưởng kém nhất, chỉ đạt 1,2 kg/con (nuôi ao) và 1,1 kg/con (nuôi lồng) sau 18 tháng nuôi. Đối với việc sử dụng thức ăn là cá tạp tươi để nuôi thương phẩm cá Măng thì FCR tối ưu khi mật độ nuôi 4 và 6 con/m3, với giá trị trung bình của toàn chu kỳ nuôi là 6.1.

Dự án đã sản xuất được 54.000 con cá giống kích cỡ 4-6 cm với hiệu quả vốn quay vòng trung bình là 55,5% Cá thương phẩm nuôi thử nghiệm trong ao đạt tăng trọng 2,1 kg sau 19 tháng nuôi với tỷ lệ sống đạt trung bình 83%. Sản lượng cá thương phẩm thu hoạch là 904 kg. Hiệu quả mô hình là 34,5 triệu/1000 m2 /vụ nuôi với tỷ lệ vốn quay vòng là 21,2%). Mô hình nuôi thương phẩm cá Măng trong lồng trên sông đạt tăng trọng 2,0 kg sau 17 tháng nuôi; tỷ lệ sống của cá nuôi đạt trung bình 81,6%. Sản lượng cá thu hoạch là 1685kg. Hiệu quả kinh tế đạt 70 triệu đồng/2 lồng và tỷ lệ quay vòng vốn là 27,8%. Mô hình nuôi thương phẩm cá Măng trong lồng trên hồ chứa Hòa Bình đạt tăng trọng là 2,1 kg/con sau 17 tháng nuôi; tỷ lệ sống đạt 84,3%. Tổng sản lượng cá thu hoạch là 1240 kg.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226590/GGN 22-09-104)