áp dụng khoa học công nghệ vào chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị tôm hùm Phú Yên
22/09/22 11:53AM
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề nuôi tôm hùm phát triển ở Phú Yên từ cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, qua thời gian, hoạt động này bộc lộ một số bất cập.

Phú Yên đang nỗ lực nghiên cứu, áp dụng KH-CN vào chuỗi sản xuất để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
 
Không chủ động nguồn giống, chưa đảm bảo quy trình nuôi
 
Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có bờ biển dài 189 km. Nhờ có điều kiện tự nhiên thích hợp mà diện tích nuôi tôm hùm ở Phú Yên đứng đầu cả nước. Theo số liệu báo cáo, tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh Phú Yên có 2.200 hộ nuôi tôm hùm bông với 35.000 lồng, sản phẩm mỗi năm đạt 150 tấn, doanh thu 3.000 tỷ đồng/năm.
img_3506.jpg

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

 

 

Bên cạnh tiềm năng và các yếu tố thuận lợi, việc phát triển sản phẩm tôm hùm của Phú Yên cũng còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể, về quy hoạch, theo Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, tổng diện tích nuôi tôm hùm ở Phú Yên là 1.000 ha, tập trung tại đầm Cù Mông (253 ha), vịnh Xuân Đài (747 ha) với tổng số 45.000 lồng.

Tỉnh cũng đã có quy hoạch nuôi tôm hùm lồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, song do quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 nên các quy hoạch của tỉnh không còn hiệu lực. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, người nuôi bất chấp mọi khuyến cáo, không theo quy hoạch, phát triển số lượng lồng nuôi ồ ạt. Theo khảo sát sơ bộ năm 2020, tổng số lồng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh trong năm 2020 ước đạt 81.109 lồng, trong đó huyện Tuy An là 7.698 lồng; TX. Sông Cầu 59.698 lồng, gấp 1,8 lần so với quy hoạch; TX. Đông Hòa là hơn 13.000 lồng tôm hùm thịt, mặc dù địa phương này không còn trong quy hoạch nuôi lồng, bè của tỉnh.... Điều đó đã gây rất nhiều khó khăn cho quản lý và sản xuất bền vững, không kiểm soát được dịch bệnh, không phòng tránh hết mọi điều kiện bất thường của thiên tai, dẫn đến rủi ro cao, và thực tế họ đã từng phải chịu mức thiệt hại rất lớn. Đợt lũ sau cơn bão xảy ra tháng 11/2020 đã làm ngọt hóa khu vực nuôi trồng thủy sản vịnh Xuân Đài. Bị sốc nước ngọt, 2.180 lồng nuôi tôm hùm của 169 hộ nuôi ở các phường Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Yên và hai xã Xuân Phương, Xuân Thịnh với hơn 150.000 con tôm hùm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch bị chết trắng, ước thiệt hại hơn 62 tỷ đồng.

Về giống, hơn 80% lượng giống tôm hùm đưa vào nuôi có nguồn gốc nhập từ nước ngoài. Việc kiểm soát nguồn giống tôm hùm nhập về vượt khả năng của địa phương, do đó công tác sắp xếp, giao mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng bè, việc hạn chế sự gia tăng số lượng lồng nuôi, bảo đảm nuôi đúng trong vùng quy hoạch, nuôi đúng mật độ, số lượng lồng nuôi theo quy định gặp rất nhiều khó khăn. Các hoạt động trao đổi, mua bán tôm hùm giống chủ yếu thông qua thương lái và không khai báo; việc kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống chủ yếu được người nuôi dựa vào kinh nghiệm bằng cảm quan; thức ăn cho tôm hùm thương phẩm phần lớn là thủy sản tươi sống, qua nhiều năm tồn dư lớn; trao đổi nước giữa đầm, vịnh với biển không bảo đảm yêu cầu... dẫn đến tôm hùm thường xuyên chết hàng loạt, nhất là vào thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột.
 
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn chưa sát, việc thực hiện trong quá trình nuôi cũng chưa được tuân thủ nghiêm. Mật độ tôm thả nuôi thực tế cũng vượt so với quy định. Qua khảo sát thực tế, mật độ nuôi thương phẩm đối với tôm hùm bông khoảng 75 đến 80 con/lồng 9 m2 và đối với tôm hùm xanh khoảng 150 đến 200 con/lồng 9 m2, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mật độ quy định tại các văn bản hướng dẫn của ngành NN-PTNT và địa phương.
 
Ngoài ra, về khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến, chủ yếu sản phẩm tôm hùm thương phẩm được thu hoạch bảo quản ở dạng sống và tiêu thị tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước lân cận nên khó đảm bảo tính bền vững và không có khả năng mở rộng phát triển vùng.
 
Đưa KH-CN vào chuỗi sản xuất tôm hùm
 
Các bất cập trên đã và đang được tỉnh Phú Yên quan tâm tháo gỡ, tuy nhiên, vẫn đang mang tính vụ việc và ngắn hạn. “Để nâng cao giá trị cũng như có được môi trường sản xuất bền vững sản phẩm tôm hùm để thực sự được xem là sản phẩm chủ lực của địa phương, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, còn rất nhiều vấn đề cần được xem xét giải quyết bài toán ở hầu hết tất cả các khâu từ quy hoạch, quản lý, tổ chức sản xuất, cung ứng giống, nuôi trồng, chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm tôm, ứng dụng công nghệ 4.0, blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên cho biết.
img_7350.jpg
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên chủ trì buổi hội thảo Khoa học và công nghệ trong phát triển sản xuất tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030 vừa được tổ chức.

Theo ông Phú, thực tiễn cho thấy, giá trị gia tăng của sản phẩm tôm hùm ở tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung không chỉ dựa vào diện tích nuôi, năng suất và sản lượng mà giá trị gia tăng của nông sản còn phụ thuộc nhiều vào việc chất lượng nuôi và chế biến có đạt được các tiêu chuẩn nhất định để tham gia chuỗi cung ứng cũng như giá trị tòa cầu. Sản phẩm tôm hùm có dư địa lớn trong xuất khẩu và tiêu dùng nội địa nhưng giá trị gia tăng và đặc biệt là giá trị thương hiệu nhận được từ việc cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý vẫn chưa định hình ngay thị trường trong nước và thế giới. Lý do chính được xem là do chưa chủ động được nguồn giống có chất lượng, chưa có loại thức ăn đủ tiêu chuẩn được sản xuất trong nước, hầu hết phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong bối cảnh hội nhập, để giá trị sản phẩm được gia tăng thì một trong những yêu cầu cần đạt là sản phẩm đó phải tham gia được trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như nội địa.

Để đạt được điều đó thì yêu cầu trong sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến cần phải ứng dụng các công nghệ hợp lý để sản phẩm đạt được những tiêu chuẩn theo quy định trong tiêu dùng và qua đó mới từng bước khẳng định thương hiệu. Việc lựa chọn công nghệ hợp lý cho từng công đoạn hoặc cả chuỗi sản xuất đối với một số sản phẩm chủ lực không thể khả thi nếu không có được sự phát triển bền vững, việc triển khai các nhiệm vụ KH-CN cần phải xem xét đến tất cả các công đoạn trong chuỗi sản xuất và phải được tiến hành đồng bộ, nói cách khác, khoa học công nghệ phải được xem xét là nội dung nằm trong chuỗi sản xuất vừa được nghiên cứu đi trước để dẫn dắt tạo ra chuỗi sản xuất đồng bộ theo tiêu chuẩn và có giá trị cao.
 
“Việc nghiên cứu, đưa nội hàm khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm chủ lực sẽ rất có ý nghĩa, đóng vai trò động lực trực tiếp cho sản xuất, làm thay đổi cơ cấu và nâng cao được giá trị sản phẩm đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc xây dựng và cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm của Phú Yên ngoài việc khẳng định thương hiệu sẽ là cơ sở khoa học để Phú Yên có những bước đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế. Khi được xem xét các vấn đề KH-CN một cách đồng bộ theo chuỗi sẽ tạo ra được giá trị cao hơn từ loại sản phẩm này”, ông Phú nói.
 
Tỉnh Phú Yên đang nỗ lực hoàn thành việc sắp xếp, giao mặt nước cho các hộ đủ điều kiện sắp xếp lại lồng, bè theo quy định và giải tỏa toàn bộ lồng, bè nuôi trồng thủy sản không theo phương án sắp xếp lồng, bè đã được phê duyệt trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Tỉnh cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm nhập về tỉnh, phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các hộ kinh doanh giống tôm hùm nhập khẩu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tham mưu đưa tôm hùm thành sản phẩm chủ lực quốc gia, xây dựng thành sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, góp phần tăng thêm kim ngạch xuất khẩu từ 50-80 triệu USD/năm. Đồng thời giao cho Sở KH-CN xây dựng Đề án phát triển sản xuất tôm hùm tỉnh Phú Yên đến năm 2030.
 
     Theo: KTNT