Hiệu quả từ chăn nuôi xanh ở Điện Biên
10/11/20 10:27AM
Nhằm đa dạng hóa cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã tích cực phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhờ có sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn, nhiều mô hình chăn nuôi mới, trong đó có các HTX chăn nuôi ở huyện Điện Biên được nhân rộng theo hướng thâm canh sản xuất hàng hóa, giúp người nông dân địa phương nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi, cải thiện nguồn thu nhập.

Hiệu quả thiết thực

Năm 2019, để liên kết phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, HTX chăn nuôi Ðiện Biên được thành lập trên địa bàn xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) với 14 hộ tham gia các dự án chăn nuôi, sản xuất giống gia súc, nuôi gia cầm…

hieu-qua-chan-nuoi-huyn-Dien-B-6628-9962

Mô hình chăn nuôi của HTX chăn nuôi Điện Biên đang được triển khai theo hướng an toàn sinh học (Ảnh TL).

HTX chăn nuôi Điện Biên ra đời đã nhanh chóng trở thành cầu nối, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi cho các thành viên.

Phương án sản xuất của HTX hướng đến mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Anh Đỗ Đức Sử, hộ liên kết của HTX chăn nuôi Điện Biên, chia sẻ vào HTX, thay đổi lớn nhất là ý thức trong chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

“Chất thải chăn nuôi thay vì bỏ trực tiếp ra môi trường thì được tập trung đúng nơi quy định, xử lý sinh học để tạo thành các loại phân ủ hoại, phân hữu cơ bón cây, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm”, anh Sử cho hay.

Hầu hết các mô hình của HTX hiện cũng đang triển khai chăn nuôi trên đệm lót sinh học, giúp giảm thiểu mùi hôi, tiết kiệm công vệ sinh chuồng trại, loại bỏ các loại vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh…

Tương tự, mô hình chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã Núa Ngam đã được duy trì và nhân rộng từ nhiều năm nay, mang lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường sinh thái.

Một số thôn bản trong xã còn thành lập tổ hợp tác, nhóm, câu lạc bộ nuôi trâu, bò sinh sản giúp bà con nông dân thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, nhờ vậy, đàn trâu bò của xã luôn được duy trì từ 1.800 đến 2.000 con.

Việc liên kết giúp các hộ trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau triển khai phương pháp sản xuất theo hướng an toàn sinh học, giúp nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, giảm thiểu dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng

Theo Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên, các kết quả thực tế trên địa bàn chỉ ra chăn nuôi theo hình thức liên kết gắn với an toàn sinh học mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với chăn nuôi theo cách truyền thống.

Trước tiên là về đầu ra sản phẩm, sau đó là việc phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững.

chan-nuoi-huyen-Dien-Bien-JPG-9228-16043

Vai trò của các HTX sẽ được thúc đẩy để hình thành các chuỗi chăn nuôi xanh hiệu quả cao (Ảnh TL).

Vì vậy, những năm gần đây chăn nuôi theo hướng liên kết đang ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Điện Biên thực hiện, nhân rộng.

Thực tế, những năm qua, huyện Điện Biên đã xác định một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển chăn nuôi bền vững là tạo lập môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Vì vậy, huyện đã hỗ trợ các đơn vị sản xuất về đất đai, chính sách vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, gắn tem, nhãn mác sản phẩm.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện đề ra mục tiêu tập trung tăng đàn gia súc bình quân hàng năm 4,85%. Phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm rộng khắp đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong và ngoài huyện.

Để hiện thực hóa mục tiêu, bên cạnh nâng cao hiệu quả của những chính sách hỗ trợ đang triển khai như cho vay vốn ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng,… huyện chủ động phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác nhằm hình thành liên kết nông dân - HTX – doanh nghiệp, hướng tới hình thành các chuỗi chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả cao, bền vững.

Hưng Nguyên/Theo KTDN