Làng nghề thời Covid-19 đanh tích cực khôi phục
05/10/21 03:59PM
Thời điểm hiện tại, các làng nghề đang tích cực khôi phục sản xuất gắn với an toàn phòng dịch. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương.
san-xuat-do-gom-my-nghe-tai-1.jpg
Sản xuất đồ gồm mỹ nghệ tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm). 

Hà Nội: Các Làng nghề tích cực khôi phục sản xuất 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian vừa qua, hầu hết cơ sở sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, để bảo đảm phòng, chống dịch. Thời điểm hiện tại, các làng nghề đang tích cực khôi phục sản xuất gắn với an toàn phòng dịch. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương.

Sau thời gian dài tạm thời đóng cửa, cơ sở sản xuất đồ gỗ Hoàng Hà (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) vừa bắt đầu hoạt động trở lại. Theo ông Vũ Hoàng Hà - chủ cơ sở, xưởng gỗ của gia đình ông dừng hoạt động từ cuối tháng 7. Hiện cơ sở đã huy động được 80% nhân công trở lại làm việc để đáp ứng các đơn hàng còn nợ và tập trung chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà cho biết: Xã có hơn 350 công ty, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại điểm công nghiệp làng nghề và hơn 1.000 hộ gia đình làm đồ gỗ. Đến nay, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, cơ sở đã hoạt động trở lại và đều ký cam kết sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Làng nghề cơ kim khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) cũng đang đẩy mạnh sản xuất. Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Ngọ Lê Văn Giang chia sẻ, những ngày thực hiện giãn cách xã hội, dù thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, công ty vẫn triển khai phương án “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, làm tại chỗ và nghỉ tại chỗ) để duy trì được nhịp độ sản xuất. Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, việc tiêu thụ sản phẩm đã thuận lợi hơn, đơn hàng cũng tăng dần.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Vũ Bá Tình, trong đợt thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" nên cơ bản hoạt động không bị đình trệ. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khôi phục sản xuất, đồng thời kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Những năm gần đây, các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế làng nghề, doanh thu giảm 20-50% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. Mục tiêu hiện nay là tập trung khôi phục sản xuất, phấn đấu tăng doanh thu ở những tháng cuối năm, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề, những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại… Nhờ đó, sản phẩm làng nghề đa dạng hơn, có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tác động từ dịch bệnh cũng khiến lĩnh vực kinh tế này bộc lộ những khó khăn, bất cập.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, mặc dù các làng nghề đã hoạt động trở lại nhưng hầu hết đang trong giai đoạn nỗ lực xoay chuyển, tìm hướng thích nghi trước những tác động của dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường bị thu hẹp nên việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa không tránh khỏi khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Liên Hà (huyện Đông Anh) Đỗ Thị Hảo cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm vẫn là vấn đề nan giải của các làng nghề. Còn Giám đốc doanh nghiệp Nhà gỗ Phúc Lộc (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) Nguyễn Huy Khiêm đề xuất, ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp đủ vốn phục hồi sản xuất.

Để phát triển làng nghề trong tình hình mới, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: Huyện đang triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ để giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động. Mặt khác, huyện sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển các làng nghề chủ lực có tính cạnh tranh; phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện đang kiến nghị thành phố hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng 5 cụm công nghiệp mới được phê duyệt trên địa bàn; quy hoạch khu vực giới thiệu sản phẩm làng nghề gắn với du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm...

Để giúp các làng nghề phục hồi sản xuất, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương, nắm bắt nhu cầu thị trường, kết nối tiêu thụ, tập trung vào nhóm sản phẩm làng nghề đạt chứng nhận OCOP; triển khai trang thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm làng nghề... Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn vốn cho các làng nghề khôi phục sản xuất, triển khai hiệu quả các chương trình: Hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ; đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp và chính sách liên quan đến làng nghề…

Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 313 làng nghề truyền thống đã được công nhận, 207 làng có nghề đang phát triển. Có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.

 

245d5194609t47337l0.jpg
Người dân làng nghề hàng mã Mật Sơn tất bật quanh năm.

Thanh Hóa: Làng nghề “sống khỏe”

Trong khi một số nơi, tình trạng đô thị hóa và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm công nghiệp... đã trở thành những rào cản chính đối với các sản phẩm truyền thống thì tại TP Thanh Hóa, một số làng nghề vẫn được duy trì và phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Làng nghề hương Quán Giò, phường Trường Thi đã có từ lâu đời. Bên trong con ngõ nhỏ giữa phố phường tấp nập, hàng chục hộ dân vẫn ngày ngày miệt mài giữ nghề. Trước kia, tất cả các công đoạn trộn bột, se hương, phơi khô, đóng gói... đều làm hoàn toàn thủ công thì những năm trở lại đây, máy móc hiện đại đã được ứng dụng ngày càng nhiều. Sự kết hợp giữa thủ công truyền thống với máy móc hiện đại đã phát huy được hiệu quả cao trong sản xuất: Năng suất cao, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt mà hương thơm lại vẫn giữ nguyên mùi đặc trưng vốn có của nó.

Được đánh giá cao về chất lượng, mỗi sản phẩm của làng hương Quán Giò đều được làm nên nhờ những đôi tay kinh nghiệm của người thợ. Bên cạnh những điểm chung về hình thức cây hương, màu sắc, quy cách đóng gói..., mỗi cơ sở sản xuất sẽ tự tạo nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm của mình bằng sự khác nhau trong cách gia giảm, pha trộn các thành phần hương liệu theo một tỷ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền.

TIN TÀI TRỢ

Nếu như mọi năm, người dân ngõ Hàng Hương tất bật suốt quanh năm để kịp các đơn hàng trong và ngoài tỉnh thì năm nay, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến công việc sản xuất, kinh doanh của những người thợ nghề. Tuy nhiên, hầu hết các hộ gia đình nơi đây vẫn duy trì công việc để đảm bảo nguồn thu nhập cho cuộc sống. Và đây là thời điểm để các hộ sản xuất bắt đầu nhập nguyên liệu, chuẩn bị cho vụ sản xuất phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Cũng như làng hương Quán Giò, làng nghề hàng mã Mật Sơn, phường Đông Vệ cũng góp phần làm nên một nét rất riêng cho TP Thanh Hóa. Có tuổi đời hàng chục năm, đến nay, làng nghề đã phát triển và trở thành nguồn cung ứng lớn nhất cho thị trường hàng mã trong tỉnh, nhiều cơ sở còn đưa hàng tiêu thụ ra nhiều tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung.

Bà Châu Thị Thanh, chủ một cơ sở sản xuất hàng mã lớn thuộc phố Mật Sơn 2 chia sẻ: “Đến với nghề từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi gia đình tôi còn rất nghèo. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu tận dụng thời gian rỗi rãi của các thành viên trong gia đình để làm ra các sản phẩm thủ công, đơn giản, đến nay chúng tôi đã gây dựng được một nghề truyền thống cho cả gia đình, con cháu. Hàng mã là nghề có tính thời vụ, mỗi thời điểm sẽ tương ứng với mỗi loại sản phẩm nhất định. Tuy là thời vụ nhưng vì lượng hàng đặt từ khắp nơi khá nhiều nên chúng tôi không lúc nào hết việc, vụ này vừa xong là phải làm kịp hàng cho vụ khác. Vào những đợt cao điểm, cơ sở chúng tôi phải thuê thêm từ 10 đến 15 lao động để “chạy hàng”. Không chỉ giúp chúng tôi thoát nghèo và có cuộc sống sung túc, nghề hàng mã còn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động phổ thông trên địa bàn”.

Duy trì và phát triển làng nghề luôn được gắn liền với vấn đề bảo đảm môi trường. Tùy theo đặc thù của từng nghề để mỗi nơi sẽ có cách làm riêng giúp cho công việc sản xuất vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa vừa thân thiện với môi trường.

Cũng theo bà Thanh, thị trường hiện nay có tính cạnh tranh rất cao. Lợi nhuận không quá lớn so với công sức và thời gian bỏ ra nên đòi hỏi người làm phải tính toán cân đối sao cho lượng giấy thừa trong quá trình sản xuất phải là thấp nhất, tránh gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Với lượng giấy thừa không thể tái sử dụng, bà sẽ thu gom bán phế liệu, góp vào quỹ từ thiện của xóm phố.

Việc áp dụng máy móc công nghệ vào khâu sản xuất giúp cho việc sản xuất trở nên dễ dàng và tốn ít công sức hơn. Nếu như trước đây, mỗi cơ sở sản xuất đều tự làm mọi công đoạn bằng thủ công thì ngày nay đã lựa chọn chỉ chuyên sản xuất một loại riêng biệt. Có gia đình chỉ tập trung làm khung, có nhà lại mua máy móc để phục vụ việc in ấn, cắt phụ kiện trên giấy, hộ khác lại thực hiện công đoạn lắp ghép, dán và hoàn thiện sản phẩm... Cách làm chuyên biệt như vậy giúp cho làng nghề sản xuất vừa hiệu quả, năng suất lao động cao vừa hạn chế được mức thấp nhất sự lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường sống chung trong khu dân cư.

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho các thế hệ người dân địa phương, những làng nghề truyền thống tại TP Thanh Hóa còn có ý nghĩa văn hóa tinh thần, là nét đẹp riêng của mảnh đất phố thị. Với những nỗ lực bảo tồn và phát triển của người dân làng nghề, cùng chính sách hỗ trợ, quảng bá của chính quyền các cấp, làng nghề nơi đây đang sáng lên những sắc màu tươi mới.

Nam Định: Đào tạo nghề tăng thu nhập cho người lao động 

Xã Liên Minh (Vụ Bản) có dân số 11 nghìn người, trong đó có gần 7.200 người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, qua đó giúp người dân có thu nhập ổn định, các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, xã tổ chức đánh giá thực trạng các nghề phù hợp ở địa phương; khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, chăn nuôi gia súc; nghề phi nông nghiệp gồm: đan lát thủ công, nấu ăn…

images1335685_untitled_2.jpg
Cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu của ông Vũ Hồng Hải, thôn Ngõ Trang, xã Liên Minh (Vụ Bản) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Đề án 1956, xã mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 59 lao động. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Nông nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân. Năm 2020, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức lớp học nấu ăn cho 35 học viên; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp đan lát thủ công cho 24 lao động.

Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Phụ nữ xã đã lựa chọn 20 học viên tham gia lớp tập huấn online “Kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm” do Hội Phụ nữ huyện Vụ Bản phối hợp với Sở KH và CN tổ chức.

Đồng chí Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết thêm: Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và sử dụng được kỹ năng nghề để tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Người lao động học nghề nông nghiệp tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động. Đối với nghề phi nông nghiệp, nhiều học viên có việc làm ngay khi kết thúc khóa học.

Chị Phạm Thị Bích (42 tuổi) ở xóm Thượng sau khi học nghề nấu ăn đã có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng; chị Phạm Thị Tuyến (51 tuổi), xóm Tam Giáp sau khi học nghề đan lát đã nhận làm các sản phẩm tại nhà cho thu nhập ổn định từ 3-4,5 triệu đồng/tháng. Cùng với các lớp học do xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, nhiều cá nhân và cơ sở sản xuất ở xã Liên Minh tổ chức lớp dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương. Tiêu biểu như ông Vũ Hồng Hải, Bí thư chi bộ 12 Ngõ Trang là chủ cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu với trên 30 lao động địa phương. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động. Đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng hóa xuất bán chậm, cơ sở của ông duy trì 10 lao động làm việc thường xuyên.

Cùng với đào tạo nghề, xã tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã đạt khoảng 15 tỷ đồng cho 535 hộ vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có 7 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, có điều kiện phát triển quy mô sản xuất. Chị Ngô Thị Lánh (51 tuổi) ở xóm Tiền trước năm 2018 thuộc hộ cận nghèo, sau khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và vay thêm người thân, vợ chồng anh chị đã mở xưởng sản xuất đồ gỗ. Đến nay, sau 3 năm, gia đình chị đã thoát nghèo. Cũng ở xóm Hổ Sơn, trang trại VAC của bà Hoàng Thị Mai có diện tích trên 10 nghìn m2, số lượng đàn gia súc gia cầm hàng vạn con. Những ngày đầu mới xây dựng trang trại, gia đình bà gặp khó khăn về nguồn vốn để xây chuồng trại, mua con giống. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, bà tìm đến các kênh Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ Quay vòng… để vay vốn. Vay được tiền, bà đầu tư xây dựng dãy chuồng nuôi lợn, gà và thuê người đào ao thả cá; trên bờ, kết hợp trồng thêm các loại rau: rau muống, cà chua, bắp cải, su hào… làm thức ăn cho gà, cá và để bán. Với 8 sào ao, trung bình hàng năm bà thu được hơn chục tấn cá chim. Hiện nay, bà đang kết hợp với Công ty TNHH Jafa Comfeed Việt Nam (Vĩnh Phúc) nuôi 8.000 con gà thịt.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Liên Minh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề trên địa bàn xã đạt 72,2%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều còn 0,86%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương.

Nguồn: KTNT