Sức bật để nông nghiệp phát triển
13/04/17 10:30AM
(Baonghean) - Đưa các tiến bộ KH-KT vào sản xuất tiến tới áp dụng các giải pháp công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Nhất là từ quyết định phê duyệt Đề án phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 của tỉnh, đến nay Nghệ An đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cùng với xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông trong sản xuất. Trong đó, đã tiến hành khảo nghiệm, thử nghiệm thành công một số loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt như: hàng loạt các giống lúa tiến bộ như lúa thảo dược của Công ty TNHH Vĩnh Hòa, VTNA2 của Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An… cho sản phẩm chất lượng cao. 

Ươm giống chanh leo tại Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga. Ảnh: P.V
Ươm giống chanh leo tại Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga. Ảnh: Tư liệu

Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp là chuỗi sản xuất khép kín của Tập đoàn TH (ở Nghĩa Đàn). Tại đây, các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả, hoa, dược liệu... đặc biệt là sữa tươi đã được sản xuất theo chuỗi từ làm đất, trồng, thu hoạch, chế biến, phân phối sản phẩm.

Trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm, Tập đoàn TH đang là đơn vị hàng đầu trong ứng dụng CNC. Đáng chú ý là các dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp của Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH với đàn bò, bê sữa hiện đã lên tới trên 45.000 con. Hay, Dự án chăn nuôi bò sữa tại Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với đàn bò, bê sữa gần 3.000 con. 

Cũng tại miền Tây Nghệ An, Nafoods Group cũng là cái tên được nhắc đến khi nói về việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp ở miền Tây. Hiện Nafoods Group đang đầu tư mạnh mẽ về khoa học, CNC vào nông nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị khép kín từ giống, vùng cây trồng đến sản xuất chế biến, xuất khẩu tiêu dùng với sản phẩm chanh leo.

Vườn chanh leo của nông dân xã Nhôn Mai (Tương Dương). 	Ảnh: Công Kiên
Vườn chanh leo của nông dân xã Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh tư liệu

Cùng với đó, ứng dụng CNC vào sản xuất cây giống là một bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất giống chanh leo, vì sẽ tự túc được giống có chất lượng để cung cấp cho toàn vùng nguyên liệu tại Việt Nam thay vì nhập giống từ nước ngoài như 100% giống chanh leo ứng dụng công nghệ ghép của Đài Loan. 

Ngoài giống chanh leo, 100% giống chè công nghiệp và giống cây lâm nghiệp nguyên liệu phục vụ sản xuất sử dụng phương pháp dâm cành. Việc ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện rộng rãi như: ứng dụng và nhân nhanh quy trình thâm canh cải tiến SRI, IPM trong sản xuất lúa; áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) tại các vùng chuyên canh rau; sản xuất dưa lưới, rau xanh trong nhà kính, nhà lưới.

Ứng dụng tưới tiêu nhỏ giọt công nghệ kiểu Israel cho một số cây trồng trên đồi như mía, cam ở vùng chuyên canh mía, cây ăn quả ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Các doanh nghiệp chăn nuôi đã tiếp nhận, thực hiện quy trình chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh các nước tiên tiến (Úc, New Zaeland). Một số các sản phẩm đã được tập trung nghiên cứu theo chuỗi sản phẩm như trà hoa vàng, mú từn, sâm, chanh leo, lúa japonica, cam... Hiện đã có các sản phẩm thương mại đặc thù địa phương như rượu mú từn, trà hoa vàng hòa tan, viên nang trà hoa vàng.

Huyện Quế Phong mở gian hàng giúp người dân bán các dược liệu, trong đó, Chè hoa vàng luôn được nhiều người tìm mua. Ảnh Nguyên Nguyên
Huyện Quế Phong mở hướng thoát nghèo bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng vùng dược liệu. Trong ảnh là sản phẩm chè hoa vàng luôn được nhiều người tìm mua. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng, nhân rộng mang lại hiệu quả cao như: Nhân giống trám đen Thanh Chương ra diện rộng; bộ giống lúa chịu lạnh (Japonica) phù hợp điều kiện khí hậu huyện Quế Phong được tuyển chọn và bắt đầu sản xuất hàng hóa; giống chanh leo, cà chua múi, kỹ thuật nuôi trắm giòn, chép giòn được phát triển; mô hình nuôi cá rô phi lai xa dòng Israel, cá rô phi đường nghiệp; công nghệ nuôi cá bằng lồng trên hồ thủy lợi, thủy điện (hiện nay nhân rộng rất tốt tại Hủa Na và Khe Bố) và nghiên cứu sản xuất trà hòa tan, viên nang từ trà hoa vàng; nghiên cứu, ứng dụng thương mại hóa chế phẩm Val-A trị bệnh khô vằn… 

Mô hình trồng nấm.
Mô hình trồng nấm. Ảnh tư liệu

Ngành Nông nghiệp đã ứng dụng thành công nhiều biện pháp kỹ thuật như: Tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả và mía; thâm canh lúa nước sử dụng phân viên nén dúi sâu; giải pháp bón đạm hợp lý cho lúa với 1 ha giảm 40kg đạm góp phần tiết kiệm ngân sách hàng tỷ đồng với tổng diện tích lúa canh tác khoảng 200.000ha; luân canh, xen canh bắt buộc với mía góp phần tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích và cải tạo đất; phòng trừ sâu bệnh hại chanh leo; hoàn thiện quy trình sản xuất thử nghiệm các giống lan mokara cắt cành tại Nghệ An; chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh đốm đen hại lạc từ lá trầu và cà độc dược; thành công công tác thụ tinh nhân tạo ở trâu để cải tạo giống trâu địa phương có chất lượng tốt; quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh và hạn chế hóa chất; áp dụng các giải pháp tổng hợp khắc phục rét đậm, rét hại vụ xuân 2016 đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học đã hướng mạnh đến các doanh nghiệp và cơ sở để ứng dụng thực tiễn vào sản xuất, đời sống. Các doanh nghiệp đang tham gia liên kết với các hộ dân xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, tạo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao.

Toàn tỉnh đã có 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp là Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An, Công ty TNHH Vĩnh Hòa và Công ty TNHH Công nghệ sinh học phục vụ đời sống sản xuất - TMDV Thanh Mai. Những đơn vị này tích cực hỗ trợ nông dân về giống thuần chất lượng, năng suất cao, cho nông dân vay phân bón trước mùa vụ và từng bước liên kết để tiêu thụ nông sản...

Chăm sóc vườn bưởi hồng Quang Tiến (TX. Thái Hòa).  Ảnh: Cao Đông
Chăm sóc vườn bưởi hồng Quang Tiến (TX. Thái Hòa). Ảnh tư liệu

Có thể khẳng định, các hoạt động KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Giai đoạn tới, trước thách thức biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nền nông nghiệp dựa vào hộ nhỏ lẻ sang nền nông nghiệp tập trung theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa, thì không con đường nào khác là phải tập trung giải pháp khoa học công nghệ là then chốt. 

Để hoạt động này phát huy hiệu quả, theo ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KHCN, thì tỉnh đã xác định các giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở các mặt hàng có lợi thế và biến khoa học công nghệ trở thành “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Để làm được điều đó, vấn đề then chốt là tỉnh cần có cơ chế chính sách đủ mạnh để “hút”, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

P.V