Chuyển ruộng thành vườn hiệu quả cao
25/08/20 10:32AM
Đến thăm mô hình trồng mít của anh Nguyễn Duy Dự ở xã Thụy Thanh (Thái Thụy - Thái Bình), chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
t40.jpg
Anh Dự kiểm tra những quả mít chuẩn bị thu hoạch.

Anh Dự và gia đình từ Đắk Lắk chuyển về Thái Bình từ năm 2015. Với kinh nghiệm làm vườn tích lũy được sau nhiều năm ở  Đắk Lắk, anh ấp ủ xây dựng trang trại cây ăn quả và ước mơ đó nay đã thành hiện thực.

Vợ chồng anh Dự đấu thầu lại khoảng 3ha, hầu hết là ruộng lúa người dân bỏ hoang do năng suất thấp, cải tạo thành trang trại mang tên “Duy Dự”. Hiện, trang trại Duy Dự trồng khoảng 600 cây mít Thái siêu sớm và hàng trăm cây ăn quả khác như táo, bưởi, cam, chanh các loại… Trong đó, hơn 400 cây mít đang cho thu hoạch ổn định với giá trị trên 1 triệu đồng/cây/năm (cây ở năm thứ 3 sau trồng). Trang trại mới chuyển đổi được 4 năm, các cây mới bắt đầu cho thu hoạch ổn định, vậy mà chỉ riêng cây mít đã cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm.

“Mít là cây dễ tính, ít sâu bệnh. Giống mít Thái này có ưu điểm là rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng miền Bắc, chăm sóc tốt cây cho quả quanh năm, hầu như thời điểm nào vườn nhà tôi cũng có mít. Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường đối với quả mít tăng cao, nên khâu tiêu thụ sản phẩm khá dễ dàng, thương lái đến tận nơi thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Gia đình gần như không phải lo về đầu ra của sản phẩm. Đặc biệt, khi mít ra trái mùa thì giá thu mua có khi lên đến 25.000 đồng/kg”, anh Dự chia sẻ.

Là người chăm chỉ, chịu khó, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi, thường xuyên đọc sách báo và tìm hiểu trên internet về kỹ thuật thâm canh và phòng trừ sâu bệnh để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Anh còn tham gia Hội Làm vườn của huyện và tỉnh, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giúp hội viên khác phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả. Anh cũng liên hệ cơ sở sản xuất giống uy tín trong miền Nam cung cấp giống mít và các loại cây ăn quả cho nhà vườn có nhu cầu.

Ông Nguyễn Thế Tứ, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thụy Thanh, cho biết: “Diện tích này trước kia dân trồng lúa năng suất chỉ vài chục kilôgam đến 1 tạ/sào/vụ, có vụ còn không được thu hoạch do chuột gây hại.

Ngoài ra, đây lại là những ruộng lúa ở xa, lực lượng sản xuất nông nghiệp lại thiếu do người dân chuyển sang làm công nhân cho các nhà máy nên người dân bỏ hoang ruộng rất nhiều. Anh Dự đã mạnh dạn đầu tư làm trang trại trồng cây ăn quả ở đây, biến những chân ruộng hoang thành vườn cây ăn quả cho thu nhập cao và ổn định.

Anh Dự là tấm gương phát triển kinh tế mà nhiều người quanh vùng đang có nhu cầu học tập kinh nghiệm”.

 Quách Thị Phương/Theo KTNT