Nghiên cứu thành phần và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh leo ở Việt Nam
27/12/22 03:38PM
Chủ đề: Bảo vệ thực vật

Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu thành phần và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh leo ở Việt Nam

Tổ chức chủ trì: Viện Bảo vệ thực vật

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc

Các cá nhân tham gia nhiệm vụ: ThS. Phạm Thị Dung, ThS. Nguyễn Nam Dương, ThS. Đỗ Duy Hưng, KS. Ngô Thị Thanh Hường, KS. Vũ Duy Minh, ThS. Nguyễn Văn Hải, ThS. Lê Nhật Thành, ThS. Hồ Thị Xuân Hương, Hoàng Mạnh Hùng

Thời gian thực hiện: 2017-2020

Kinh phí thực hiện: 3.100 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 221/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 20 tháng 01 năm 2021 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã xác định được 04 loài nấm trên các giống chanh leo nhập khẩu bao gồm: Alternaria alternata, Colletotrichum gloeosporioides, Fusarium oxysporium Fusarium solani. Đồng thời, không phát hiện thấy côn trùng và các virus gây hại. Xác định được 95 loài sinh vật gây hại trên chanh leo tại Việt Nam gồm: 02 loài nhện, 48 loài côn trùng, 40 loại bệnh do nấm, 02 bệnh do vi khuẩn, 06 loại bệnh do virus và 07 loài tuyến trùng. Trong đó virus EAPV, PaMoV các loài rệp muội, bọ phấn, bọ trĩ, bệnh đốm nâu, chàm quả, thán thư, phình thân là những đối tượng dịch hại phổ biến và nguy hiểm nhất, gây suy giảm năng suất, chất lượng và mẫu mã quả chanh leo ở Việt Nam. Đề xuất đưa virus Passion fruit woodiness virus (PWV) vào danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

Đề tài nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và biện pháp phòng trừ của một số đối tượng dịch hại chính trên cây chanh leo. Kết quả cho thấy các giống chanh leo đều mẫn cảm với virus EAPV, PaMoV, TelMV. Giống chanh leo ngọt có khả năng kháng với các virus CMV, EuLCV, PaLCV. Tỷ lệ cây giống nhiễm virus mua từ các cơ sở trôi nổi ở mức cao (43,3%). Trong năm mật độ các sâu hại quan trong đạt 2 đỉnh cao vào đầu mùa mưa tháng 4, 5 và cuối mùa mưa, tháng 9, 10. Bệnh hại thường bắt đầu phát sinh vào đầu mùa mưa và gây hại nặng trong suốt các tháng mùa mưa.

Nghiên cứu xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp các đối tượng gây hại chính trên cây chanh leo được công nhận tiến bộ kỹ thuật (quyết định số 2379/QĐ-BVTV-KH ngày 18/11/2020). Mô hình áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp các đối tượng gây hại chính trên cây chanh leo bao gồm các giải pháp giúp cây chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây đạt từ 115,5-138,5cm, thời gian cây lên giàn ngắn, từ 65-72 ngày. Các loại sâu bệnh hại chính như rệp muội, bọ phấn, bọ trĩ, bệnh phình thân, đốm nâu, thối quả (chàm quả) và các bệnh virus ở mức độ thấp. Giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 7-8 lần. Năng suất của các mô hình tăng từ 20%-37,8%, hiệu quả kinh tế tăng từ 31,3-52,1% so với ngoài mô hình.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-(22-12-012))