Nghiên cứu đặc điểm lâm học, chọn giống, kỹ thuật trồng và công dụng của cây Cóc hành (Azadirachta exselsa (Jack) Jacob) ở vùng khô hạn Nam Trung Bộ
22/07/16 03:01PM
Lâm nghiệp

Tên đề tài: Nghiên cứu đặc điểm lâm học, chọn giống, kỹ thuật trồng và công dụng của cây Cóc hành (Azadirachta exselsa (Jack) Jacob) ở vùng khô hạn Nam Trung Bộ

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Hà Thị Mừng

Các cá nhân tham đề tài: Đinh Thanh Giang, Phùng Văn Khen, Đỗ Thị Kim Nhung, Nguyễn Thanh Hải, Hoàng Việt Anh, Phạm Ngọc Thành, Đoàn Đình Tam, Lê Văn Thành, Nguyễn Tử Kim

Thời gian thực hiện: 01/2011-12/12015

Kinh phí thực hiện: 2.700 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1508/QĐ-BNN-KHCN ngày 27 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Ngày phê duyệt: Họp ngày 18 tháng 5 năm 2016 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Cóc hành phân bố rải rác trong rừng lá rộng rụng lá vào mùa khô ở tất cả các huyện của Ninh Thuận, các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam của Bình Thuận, huyện Cam Ranh của Khánh Hòa. Cây thường mọc ở những nơi có địa hình tương đối bằng phẳng hay dốc nhẹ, độ cao dưới 350m, nhiệt độ trung bình năm 27,1-27,4oC, lượng mưa 964,8-1431,0 mm/năm. Đất có cóc hành phân bố chủ yếu là đất xám hoặc xám vàng phát triển trên đá mắc ma axit (granit, liparit) hay sỏi sạn kết hoặc phù sa cổ. Cây cóc hành có khả năng tái sinh mạnh cả bằng chổi và hạt, cây tái sinh chồi chiếm 30-80% so với tổng số cây tái sinh. Cóc hành rụng lá vào đầu tháng 12 đến hết tháng 1 năm sau, tuy nhiên không rụng lá hoàn toàn. Hàm lượng diệp lục tổng số trong lá cóc hành 12 tháng tuổi ở vườn ươm là 2,54-2,99 mg/g lá tươi, cao nhất ở công thức che 25% và thấp nhất ở công thức che 100%.

Cóc hành được đưa vào trồng rừng ở Ninh Thuận và Bình Thuận từ năm 2005. Sản phẩm của Cóc hành được người dân sử dụng chủ yếu là gỗ đóng đồ gia dụng, ngoài ra Cóc hành còn được trồng với mục đích phòng hộ là chính.

Chọn được 73 cây mẹ cóc hành từ 7 xuất xứ (7 huyện) tại các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Xuất xứ có triển vọng cho tồng rừng cóc hành ở Ninh Thuận là Bắc Ái và Ninh Sơn; ở Bình Thuận là Hàm Thuận Bắc, Ninh Sơn và Bác Ái.

Đề tài đã xây dựng được bản hướng dẫn kỹ thuật trồng bao gồm từ khâu xác định điều kiện gây trồng, tạo cây con và chăm sóc rừng trồng. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu tính chất cơ lý, hóa học của gỗ và hàm lượng lipit tổng, thành phần axit béo trong vỏ, lá và hạt của Cóc hành.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20164768-69)