Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê khí nhà kính và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành Nông nghiệp
04/01/23 11:26AM
Chủ đề: Môi trường

Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê khí nhà kính và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành Nông nghiệp (Mã số đề tài: BĐKH/16-20)

Tổ chức chủ trì: Viện Môi trường Nông nghiệp

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Mai Văn Trịnh

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Bùi Thị Phương Loan; ThS. Vũ Thị Hằng; ThS. Đinh Quang Hiếu; ThS. Lục Thị Thanh Thêm; CN. Phạm Thị Minh Ngọc; KS. Quách Tất Quang; TS. Hồ Huy Cường; TS. Dương Hoàng Sơn; ThS. Trịnh Đức Toàn

Thời gian thực hiện: 2017-2020

Kinh phí thực hiện: 7.350 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 2385/QĐ-BTNMT ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nghiệm thu: ngày 04 tháng 01 năm 2021 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã xây dựng được bộ hệ số phát thải (HSPT) đặc trưng canh tác lúa cho 3 khu vực Bắc, Trung, Nam của quốc gia. Các hệ số phát thải trên các loại đất khác nhau, trên các vùng sinh thái khác nhau, trên các cơ cấu mùa vụ khác nhau có sự khác biệt. Các kết quả này phản ánh đúng sự đặc trưng cho từng loại đất, từng vùng sinh thái khác nhau và do đó nâng cao tính chính xác trong công tác kiểm kê phát thải khí nhà kính (KNK).

Nghiên cứu cho thấy dựa vào đường cong phát thải cho từng giai đoạn gồm bén rẽ hồi xanh, đẻ nhánh, phát triển lóng thân, phân hóa đòng, trỗ, thụ phấn, chín sữa và chín sáp để áp dụng các biện pháp giảm thải phù hợp với từng vùng canh tác lúa và các cây trồng cạn chủ đạo. Để giảm phát thải KNK trong canh tác lúa, nông dân cần tránh việc đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa mà xử lý bằng chế phẩm sinh học và cày vùi vào đất hoặc thu gom, đồng thời thực hiện gieo cấy thưa gắn với bón phân, tưới nước tiết kiệm. Áp dụng kỹ thuật tưới lúa “ướt khô xen kẽ”, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại phân bón thế hệ mới, tiết kiệm đạm, lân giúp giảm thất thoát phân bón, giảm phát thải KNK.

Xây dựng thành công cơ sở dữ liệu (CSDL) của đề tài trên phần mềm quản trị dữ liệu SQL Server Management Studio. CSDL được chia thành 3 nhóm chính là tình hình sản xuất của lúa và một số cây trồng cạn, kết quả đo phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác lúa và một số cây trồng cạn và hệ số phát thải của lúa và các cây trồng cạn tương ứng.

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-(22-12-023))