Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô công nghiệp
19/05/22 08:12AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên dự án: Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô công nghiệp

Thuộc Dự án Khoa học và Công nghệ "Nghiên cứu chọn tạo, nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp" - Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 "Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu"

Tổ chức chủ trì: Viện Di truyền nông nghiệp

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Duy Trình

Các cá nhân tham gia dự án: ThS. Trần Thu Hà; CN. Vũ Mạnh Nhật; ThS. Vũ Thị Hằng; KS. Lê Quý Thắng; KS. Nguyễn Duy Hạnh; ThS. Lê Thanh Uyên; ThS. Nguyễn Khắc Hải; CN. Phạm Quang Nhuệ; CN. Trần Ngọc Đại

Thời gian thực hiện: 2017-2021

Kinh phí thực hiện: 35.015 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 4130/QĐ-BNN-KHCN ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 29 tháng 10 năm 2021 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Trên cơ sở đánh giá thực trạng sản xuất ở các vùng sản xuất chủ lực ở Việt Nam với 490 phiếu điều tra của 3 nhóm đối tượng, khảo sát tại 7 tỉnh thành phố gồm Điện Biên, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Lâm Đồng, An Giang, Long An, dự án đã đề xuất các nhóm giải pháp phát triển sản xuất nấm thành ngành hàng bền vững như giải pháp về quy hoạch vùng sản xuất, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về đào tạo và chuyển giao công nghệ, giải pháp về cơ cấu và đổi mới mô hình; giải pháp thị trường và xúc tiến thương mại; giải pháp tăng cường quản lý nhà nước.

Dự án đã nhập khẩu, lắp đặt, vận hành và tiếp nhận đưa vào sử dụng 01 dây chuyền sản xuất nấm tự động hóa theo công nghệ Nhật Bản với công suất 1,0-4 tấn nấm tươi/ngày tại Trạm thực nghiệm sản xuất nấm Văn Giang thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm. Xây dựng 06 quy trình công nghệ sản xuất và sơ chế nấm quy mô công nghiệp cho 06 loại nấm (rơm, sò, mộc nhĩ, linh chi, đùi gà, mỡ) phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam và tăng năng suất nấm trên 12%.

Dự án đã xây dựng 24 mô hình sản xuất nấm quy mô công nghiệp (tương đương với 2.400 tấn nguyên liệu) tại 06 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Nai và An Giang. Các mô hình sản xuất áp dụng quy trình công nghệ mới giảm được chi phí sản xuất trên một tấn nguyên liệu từ 9,3-26,2%; hạ giá thành sản phẩm từ 12,5-33,3%, hiệu suất sử dụng lao động tăng từ 1,3-4,85 lần; năng suất nấm tăng từ 12,4-56,7%, hiệu quả kinh tế tăng từ 26,0- 249,83%

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20216204-07/GGN 21-12-063)