Tăng cường truy xuất nguồn gốc; Đảm bảo an toàn thực phẩm
21/01/22 03:18PM
Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục tăng cao. Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp tăng cường quản lý chất lượng nông sản thực phẩm trên thị trường thông qua việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó phát hiện, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm; đồng thời nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về nông sản an toàn.
''

Mô hình trồng bưởi Diễn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản tại thôn Núi Bé, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ngọc Thành

Minh bạch thông tin tới người tiêu dùng

Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà cho biết: Từ năm 2019, hợp tác xã đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm sử dụng mã QRcode. Năm nay, hợp tác xã dự kiến thu hoạch khoảng 70.000 quả. Lượng bưởi Diễn ở các địa phương đưa ra thị trường rất lớn, nhưng nhờ vào chất lượng và có mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên bưởi Diễn của hợp tác xã vẫn tiêu thụ ổn định tại hệ thống bán lẻ của Vinmart, CleverFoods, Hapro… với giá 20.000-25.000 đồng/quả.

Về lợi ích của việc quản lý mã QRcode để truy xuất nguồn gốc nông sản, bà Nguyễn Thị Sen, thành viên Hợp tác xã Hưng Thịch (tỉnh Sơn La) thông tin: Các loại nông sản của hợp tác xã như: Bưởi da xanh, quýt Mường Cơi... trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi được gắn mã QRcode, việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội ổn định hơn. Hợp tác xã cũng có 1 trang tương tác (fanpage) Sen Hồng Mart chuyên để giao hàng bán lẻ, hiện có gần 3.000 người theo dõi và mua hàng qua fanpage này. 

Nói về việc duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết: Hệ thống đã hỗ trợ, hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.109 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói… Đồng thời, hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và 238 doanh nghiệp ở 41 tỉnh, thành phố với 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống. Việc làm này góp phần quan trọng để các cơ quan chức năng nắm rõ số lượng các đơn vị cung ứng nông sản cho Hà Nội và giám sát chất lượng, nguồn gốc trên thị trường.

Tuy nhiên cũng có một thực tế là hiện nay, một lượng lớn nông sản bán tại các chợ, cửa hàng… chưa được các hộ kinh doanh lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã tiến hành lấy 2.607 mẫu giám sát; đã phân tích được 1.536 mẫu, kết quả có 115 mẫu (chiếm 7,4%) vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm…

''

Đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra nguồn gốc nông sản tại chợ Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Quỳnh Dung

Tăng cường giải pháp truy xuất nguồn gốc

Để tăng cường truy xuất nguồn gốc nông sản cũng như khuyến khích người sản xuất đăng ký mã QRcode cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm an toàn Tâm Thành (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Thị Vân Anh kiến nghị, Nhà nước cần kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, cần có những công cụ phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm, ngành hàng để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, thời gian tới huyện tăng cường xây dựng vùng sản xuất an toàn; ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy xuất quá trình sản xuất nông sản…; đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và quảng bá giới thiệu nông sản trên các sàn giao dịch điện tử. Cùng với đó là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động truy xuất nguồn gốc, kinh doanh nông sản.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để bảo đảm nguồn cung sản phẩm an toàn cho thị trường Hà Nội, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản, xử lý những trường hợp trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc bán ra thị trường theo quy định; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QRcode cho các nhà sản xuất.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu với thành phố tiếp tục quan tâm, mở rộng, phát triển tiến tới hoàn thiện, nâng cấp hệ thống bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia; triển khai thí điểm hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm có ứng dụng công nghệ quản lý lưu thông sản phẩm. Từ đó tạo giá trị kinh tế cao hơn cho chuỗi giá trị nông sản được kiểm soát.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, Bộ NN&PTNT xác định, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến cũng như xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất an toàn tập trung quy mô lớn, hỗ trợ các hợp tác xã về thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa để không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.

 

                                                                                                         Nguồn
Báo Hànộimới