Nghiên cứu đánh giá mức đóng góp của khoa học công nghệ trong tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp và đề xuất chính sách, giải pháp tăng cường hiệu quả áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
12/03/24 10:35AM
Chủ đề: Chính sách

Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu đánh giá mức đóng góp của khoa học công nghệ trong tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp và đề xuất chính sách, giải pháp tăng cường hiệu quả áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Tổ chức chủ trì: Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài:  ThS. Nguyễn Lệ Hoa

Các cá nhân tham gia đề tài: CN. Nguyễn Thị Thuý An, ThS. Phan Thị Thu Hà, CN. Phạm Minh Trí, ThS. Nguyễn Thị Thuỷ, ThS. Nguyễn Thị Hải Linh, CN. Nguyễn Thị Thảo, ThS. Lê Trung Hiếu

Thời gian thực hiện: 2021-2022

Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng

Cấp phê duyệt:  Quyết định số 73/QĐ-CSCL-KH ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Nghiệm thu: ngày 24 tháng 6 năm 2022

Kết quả nghiên cứu:

Khoa học công nghệ KHCN là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự bền vững của nông nghiệp của Việt Nam, một quốc gia có nền nông nghiệp phụ thuộc phần lớn vào tài nguyên thiên nhiên và thời tiết, KHCN đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những bước nhảy vọt cho tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam, giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên không được kiểm soát. Kết quả phân tích cũng cho thấy tăng trưởng ngành nông nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn, cụ thể là vốn đầu tư vào tài sản cố định (TSCĐ) và tăng năng suất các nhân tố tổng hợp, trong đó có khoa học công nghệ (KHCN). Về thực trạng chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách liên quan, đặc biệt là các chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KHCN, trong đó có chính sách hỗ trợ tư nhân nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; chính sách thuế, tín dụng, đất đai hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hình thành tổ chức KHCN; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lực KHCN; chính sách phát triển thị trường KHCN và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án, chương trình KHCN quốc gia và Quỹ quốc gia về đổi mới công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ. Chính phủ Việt Nam đang tập trung phần lớn vào việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển về tài chính và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp triển khai KHCN.

Theo kết quả nghiên cứu, đóng góp của yếu tố vốn tương đối ổn định trong tăng trưởng GDP nông nghiệp bình quân khoảng trên 60% giai đoạn 2001-2020. Việc lao động nông nghiệp đang rút mạnh ra khỏi ngành nông nghiệp, dẫn tới đóng góp của yếu tố lao động có xu hướng giảm dần, và làm giảm tăng trưởng ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh đó, KHCN ngày càng có vai trò quan trọng trong tốc độ tăng và tỷ trọng TFP, giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP nông nghiệp. Do vậy, cần có chính sách thích hợp để khuyến khích và tạo điều kiện đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, và cam kết của chính phủ cung cấp các nguồn đầu tư mới để tài trợ cho nghiên cứu nông nghiệp công có thể tạo ra tác động lớn đến phát triển KHCN ở Việt Nam nói chung và nông nghiệp nói riêng. Đến 2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một xã hội thịnh vượng, thuộc nhóm nước có thu nhập bình quân cao, trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có chiến lược phát triển mạnh mẽ về KHCN và đổi mới sáng tạo làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng đầu ra, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới có tiềm năng.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20226646-49/GGN22-08-96)