Nghiên cứu Quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái (Mã số đề tài: ĐTĐL.CN-54/15)
06/01/22 10:20AM
Chủ đề: Thủy sản

Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu Quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái (Mã số đề tài: ĐTĐL.CN-54/15)

Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Vũ Việt Hà

Các cá nhân tham gia nhiệm vụ:  ThS. Trần Văn Cường; TS. Nguyễn Khắc Bát; PGS.TS. Đỗ Công Thung; TS.Đào Mạnh Sơn; TS. Phạm Quốc Huy; ThS. Từ Hoàng Nhân; TS. Nguyễn Phi Toàn; ThS. Nguyễn Quốc Tĩnh;ThS. Nguyễn Hoàng Minh.

Thời gian thực hiện: 2015-2019

Kinh phí thực hiện: 3.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 2408/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 20 tháng 8 năm 2019

Ngày nghiệm thu: 13 tháng 9 năm 2019

Kết quả nghiên cứu:

Từ các dữ liệu đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, các yếu tố môi trường và hải dương học cơ bản, dữ liệu nghề cá và sinh học nghề cá, nhóm nghiên cứu đã phân tích, xác định và lựa chọn được bộ tiêu chí phân loại vùng biển theo chức năng sinh thái gồm 8 tiêu chí chính, mỗi tiêu chí chính là tập hợp gồm nhiều chỉ số khác nhau, cụ thể như sau: i) tiêu chí về đa dạng sinh học, gồm các chỉ số H’, J’, D, H’max, l; ii) tiêu chí về nguồn lợi hải sản, gồm các chỉ số phân bố của NPUE, CPUE, cấu trúc kích thước quần thể, cấu trúc sản lượng khai thác, giai đoạn sớm của các loài hải sản; iii) tiêu chí về môi trường và hải dương học cơ bản gồm: phân bố nhiệt độ nước biển tầng mặt; phân bố độ sâu tầng đột biến; phân bố độ muối nước biển, phân bố hàm lượng Chlorophill a; iv) tiêu chí về nghề cá và sinh học nghề cá gồm các chỉ số: đối tượng khai thác chính và đặc điểm hoạt động nghề cá, ngư trường khai thác.

Đề tài đã xây dựng sơ đồ phân bố các vùng biển theo hệ sinh thái phục vụ quản lý nghề cá với 15 phân vùng sinh thái có đặc điểm đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, môi trường hải dương học đặc trưng. Nghiên cứu phân vùng quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái, 15 phân vùng sinh thái trên toàn vùng biển Việt Nam được phân loại thành 3 phân vùng quản lý nghề cá.

Nghiên cứu cũng đã đề xuất nguyên tắc và phương thức khai thác hải sản ở các vùng sinh thái là “Phân vùng quản lý nghề cá loại I” áp dụng nguyên tắc “Bảo vệ đa dạng sinh học” kết hợp “Bảo vệ nguồn giống hải sản”; “Phân vùng quản lý nghề cá loại II” áp dụng nguyên tắc “Bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá” và “Phân vùng quản lý nghề cá loại III” áp dụng nguyên tắc “Phát triển nghề cá”.

Đề tài cũng đưa ra các giải pháp quản lý nghề cá và kiến nghị điều chỉnh chính sách trong quản lý nghề cá biển: 1) Phân loại nghề cá theo đối tượng khai thác để nâng cao hiệu quản lý; 2) Xây dựng kế hoạch quản lý, xác định mục tiêu quản lý, xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược khai thác theo tiếp cận hệ sinh thái; 3) Quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái cần đặt trong sự kết hợp với quản lý nghề cá thích ứng và quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng; 4) Đẩy mạnh công tác truyền thông trong quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; 5) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý; 6) Xây dựng hệ thống thu thập số liệu sản lượng, cường lực khai thác và hệ thống giám sát tàu cá; 7) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, tăng cường giám sát, đánh giá định kỳ và thực thi pháp luật trong công tác quản lý nghề cá; 8) Thành lập hội đồng quản lý nghề cá và tăng cường hợp tác trong quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- (20-12-077))