Nghiên cứu sự khác biệt di truyền của các nhóm bò vàng địa phương bằng chỉ thị phân tử
11/04/16 04:57PM
Chăn nuôi

Tên đề tài: Nghiên cứu sự khác biệt di truyền của các nhóm bò vàng địa phương bằng chỉ thị phân tử

Chương trình Công nghệ sinh học Nông nghiệp, Thủy sản

Tổ chức chủ trì: Viện Chăn nuôi

Tổ chức chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Doãn Lân

Thời gian hoàn thành đề tài: 2012

 

Kết quả nghiên cứu:

Giống bò vàng hiện tại vẫn được nuôi chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Nghệ An, Phú Yên và Bà Rịa Vũng Tàu, đặc biệt là ở các khu vực đồi núi bò vàng hầu như chiếm ưu thế tuyệt đối. Bò vàng nuôi ở Hà Giang (H’mông) và bò U đầu rìu có khối lượng lớn nhất, tiếp đến là bò vàng Nghệ An, Phú Yên, Lạng Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu và nhỏ nhất là bò vàng Thanh Hoá. Sự sai khác giữa các giá trị trung bình về khối lượng của một số nhóm bò Vàng Việt Nam nuôi tại các tỉnh là rõ rệt (P<0,05). Tuy nhiên, ngoại hình của các nhóm bò vàng chúng không mang nhiều những nét đặc trưng riêng do đó rất khó để nhận biết các nhóm bò này thông qua ngoại hình.

Các nhóm bò vàng Việt Nam được nghiên cứu đều thể hiện tính đa dạng di truyền cao ở chệ gen nhân và hgen ty th. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra bằng chứng ở mức độ phân từ về sự lai tạp giữa 2 loài phụ bò có u (Bos indicus) và không có u (Bos taurus) ở nhóm bò vàng Hà Giang với tỷ lệ tương ứng là 56% và 44%. Ở các nhóm bò vàng Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, U đầu rìu, Phú Yên và Bà Rịa Vũng Tàu chủ yếu có nguồn gốc từ bò có u (Bos indicus).

Ưu điểm di truyền về tần số alen và kiểu gen có lợi của gen liên quan đến tính trạng mỡ giắt thyroglobulin (TG5) giữa các nhóm bò vàng không có sự sai khác. Nhóm bò vàng Phú Yên và Hà Giang có ưu điểm di truyền về tần số alen có khả năng có lợi của gen CAPN1 liên quan đến độ mềm thịt cao hơn rõ rệt so với các nhóm bò vàng khác. Như vậy, hai nhóm bò Phú Yên và Hà Giang thể hiện tính đa dạng di truyền cao nhất và có ưu điểm di truyền về các gen liên quan đến chất lượng thịt (độ mềm của thịt) cao hơn so với các nhóm bò khác do đó xét trên phương diện bảo tồn di truyền và lai tạo giống, 2 nhóm bò này đóng vai trò quan trọng đối với việc đóng góp cho sự đa dạng di truyền và ưu thế lai.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn-9528)