Nghiên cứu chế tạo bộ KIT phát hiện nhanh vi khuẩn Salmonella trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm
13/09/21 08:58AM
Chủ đề: Thú y

Tên đề tài: Nghiên cứu chế tạo bộ KIT phát hiện nhanh vi khuẩn Salmonella trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm

Tổ chức chủ trì: Viện Thú y

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Đặng Thị Thanh Sơn

Các cá nhân tham gia đề tài: PGS.TS. Lê Quang Huấn; BSTY Trương Thị Hương Giang; ThS. Trương Thị Quý Dương; BSTY Trần Thị Nhật; ThS. Chu Thị Huyền Trang; ThS. Nguyễn Thị thu Thuỷ; ThS. Trần Thị Bích Đào; ThS. Lưu Văn Ba; KTV Nguyễn Thị Hồng Minh; TS. Vũ Thị Kim Huệ; CN. Đào Thu Thảo; ThS. Hà Thị Thanh Hương; BSTY Ninh Thị Yến

Thời gian thực hiện: 2018-2020

Kinh phí thực hiện: 3.300 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 465/QĐ-BNN-KHCN ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: ngày 26 tháng 01 năm 2021 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã xác định được tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Salmonella spp. ô nhiễm trong sản phẩm thịt lợn và gà tại CSGM, chợ truyền thống và siêu thị trên 3 địa bàn nghiên cứu (Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An) với tỷ lệ là khác nhau. Kết quả cho thấy, chiều hướng tỷ lệ nhiễm Salmonella spp cao nhất tại chợ bán lẻ truyền thống (52,6% trên thịt gà ; 65,2% trên thịt lợn) sau đó đến các cơ sở giết mổ (41,5% trên thịt gà ; 46,7% trên thịt lợn) và thấp nhất là mẫu thu thập từ các siêu thị (21,7% trên thịt gà; 33,3% trên thịt lợn).

Xác định đặc điểm sinh học phân tử của 2 gen đặc trưng của vi khuẩn Salmonella phân lập được tại Việt Nam là Gen Omp (260bp) và InvA (460bp)(100% các chủng Salmonella đã lựa chọn đều xuất hiện gen Omp và InvA gen quy định khả năng xâm nhập của vi khuẩn vào tế bào vật chủ). Trình tự gen Omp và InvA của các chủng Salmonella phân lập được từ thịt lợn và thịt gà tại Việt Nam đã được so sánh với trình tự 49 gen InvA và 36 trình tự Omp trên ngân hàng gen Quốc tế (genbank) cho thấy mức độ tương đồng rất cao (99,6% - 100%), chỉ sai khác nhau tại 3 vị trí nucleotics đối với gen InvA và 1 vị trí đối với gen Omp. Cây phát sinh loài đối với gen Omp và gen InvA cũng đã được thiết lập.

Kết quả đã đăng tải 17 gen Omp đặc trưng cho các chủng Salmonella phân lập được tại Việt Nam lên ngân hàng gen quốc tế (Genbank) và đã được cung cấp mã số từ GenBank.  Nghiên cứu thiết kế và tối ưu hoá thành công 9 cặp mồi/probe được sử dụng trong các kỹ thuật PCR, RT-PCR, LAMP, và RPA để phát hiện Salmonella spp trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Hoàn thiên quy trình chế tạo, sử dụng và bảo quản KIT RPA. 500 KIT que thử RPA được chế tạo thành công để phát hiện nhanh Salmonella spp trong thịt gia súc, gia cầm với độ đặc hiệu đạt 97,3%; độ nhạy 96,4%.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20216041-43/GGN21-03-015)