Nghiên cứu chọn tạo giống lúa có giá trị hàng hóa cao cho các vùng trồng lúa chính trong toàn quốc
12/10/22 08:31AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống lúa có giá trị hàng hóa cao cho các vùng trồng lúa chính trong toàn quốc

Chương trình phát triển Sản phẩm Quốc gia đến năm 2020

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Trịnh Khắc Quang

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Tạ Hồng Lĩnh, TS. Nguyễn Trọng Khanh, TS. Nguyễn Thúy Kiều Tiên, PGS.TS. Trần Văn Quang, TS. Dương Xuân Tú, TS. Hồ Huy Cường, TS. Trần Ngọc Thạch, TS. Trần Đức Trung, TS. Phạm Văn Tính

Thời gian thực hiện: 2016-2020

Kinh phí thực hiện: 57.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1762/QĐ-BNN-KHCN ngày 26 tháng 04 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 21 tháng 10 năm 2021 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã tiến hành thu thập, bổ sung 469 mẫu giống lúa, bao gồm: các mẫu giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hại làm nguồn vật liệu khởi đầu cho đánh giá để lựa chọn các cặp lai định hướng theo mục tiêu chọn tạo lúa chất lượng cao và lúa thơm chất lượng cao; thông qua phương pháp quan sát các đặc tính nông sinh học kết hợp với một số phương pháp trong công nghệ sinh học (MAS, MABC) đã đánh giá 1.702 mẫu giống để phân loại các dòng/giống mang các gen quy định tính trạng kháng bệnh bạc lá, đạo ôn, kháng rầy nâu và gen liên kết với tính trạng quy định mùi thơm để tạo nguồn vật liệu phục vụ công tác định hướng lai tạo; đã lai tạo được 1.290 tổ hợp lai, từ các cá thể phân ly đã chọn được 13.264 dòng triển vọng thuộc các thế hệ từ F2 – F10 phục vụ cho công tác chọn giống không những sử dụng trong nhiệm vụ này mà còn phục vụ cho chiến lược chọn giống lâu dài.

Kết quả nghiên cứu về giống: (i) Từ các nguồn vật liệu kế thừa đã chọn tạo được 11 giống lúa mới, trong đó phía Nam có 6 giống: OM20, OM429, OM375; OM402, OM10636, BĐR27 và phía Bắc có 5 giống: HD11, GL516, GL97, VN20, ĐH12 đáp ứng được các tiêu chí năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất thuận theo yêu cầu đặt hàng. Tám giống được công nhận chính thức hoặc công nhận lưu hành (Theo Luật trồng trọt) bao gồm: HD11, GL516, ĐH12, OM429, OM402, OM375, OM20 và BĐR27, trong đó có 5 giống lúa chất lượng cao và 3 giống lúa thơm chất lượng; (ii) Từ các nguồn vật liệu ban đầu (tính từ thời điểm đề tài được phê duyệt 10/2016) đã chọn được 5 dòng/giống lúa mới triển vọng OM8, OM469, OM449, OM476, BĐR57 đáp ứng được các tiêu chí theo Thuyết minh và đặt hàng của Bộ. Các dòng/giống mới này tiếp tục được đánh giá để tiến tới công nhận lưu hành trong thời gian tới;

Đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác cho từng giống, bao gồm: thời vụ, mật độ, phân bón, thu hoạch... cho từng giống ở các tiểu vùng sinh thái để phát huy tối đa tiềm năng của các giống mới trong sản xuất. Tám quy trình kỹ thuật canh tác đã được nghiên cứu hoàn thiện cùng 8 giống lúa mới và đều được ban hành cấp cơ sở phục vụ cho việc công nhận chính thức và công nhận lưu hành các giống mới được chọn tạo;

Đề tài đã xây dựng mô hình trình diễn giống mới ở các vùng nghiên cứu: (i) phía Bắc: HD11, GL516 với quy mô 20 ha/giống/vụ (Vụ Mùa 2020 và Vụ Đông Xuân 2020-2021); (ii) Đồng bằng sông Cửu Long: OM429, OM402, OM375, OM20 với quy mô 50 ha/giống/vụ (Vụ Hè thu 2020 và Vụ Đông Xuân 2020-2021); (iii) Nam Trung Bộ: BĐR27 với quy mô 35,0 ha/vụ (vụ Hè thu 2020 và vụ Đông Xuân 2020-2021). Đặc biệt giống ĐH12 đã có quyết định công nhận chính thức năm 2019 nên việc mở rộng xây dựng mô hình rất thuận lợi, riêng năm 2020 giống đã được triển khai trên tổng số diện tích 1.138 ha chủ yếu tập trung tại các tỉnh: Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226240-41/GGN 22-01-001)