Phân tích nguyên nhân phát sinh lũ bùn đá làm cơ sở khoa học phục vụ đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại tại một số vị trí nguy cơ cao thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị
30/09/21 03:03PM
Chủ đề: Thủy lợi

Tên nhiệm vụ: Phân tích nguyên nhân phát sinh lũ bùn đá làm cơ sở khoa học phục vụ đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại tại một số vị trí nguy cơ cao thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị

Tổ chức chủ trì: Viện Thủy công- Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Vũ Bá Thao

Các cá nhân tham gia nhiệm vụ: PGS.TS. Phùng Vĩnh An; TS. Vũ Ngọc Bình; ThS. Trần Văn Mạnh; ThS. Đỗ Viết Thắng; ThS. Vương Xuân Huynh; ThS. Nguyễn Thị Thu Nga; ThS. Trần Ngọc Hà; ThS. Nguyễn Đăng Khoa

Thời gian thực hiện: 1/2020-12/2020

Kinh phí thực hiện: 1.040 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 809/QĐ-VKHTLVN ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Ngày nghiệm thu: ngày 16 tháng 12 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân chính phát sinh lũ bùn đá tại địa bàn nghiên cứu: địa hình địa mạo; nguồn vật chất đất, đá, bùn, gỗ và nguồn nước. Tất cảcác yếu tố làm tăng độ dốc địa hình, tăng nguồn vật chất đất đá gỗ, và tăng nguồn nướcđều hoặc là gián tiếp hoặc là trực tiếp gây phát sinh lũ bùn đá. Ngoài ra các nguyên nhân do hoạt động dân sinh như: chặt phá rừng và cháy rừng; xây dựng cơ sở hạ tầng; khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; gia tăng dân số và tập quán sinh hoạt của người dân.

Nghiên cứu nêu lên thực trạng các giải pháp phòng chống và giảm thiểu thiên tai lũ bùn đá tại Quảng Bình và Quảng Trị. Các giải pháp công trình và phi công trình phòng chống thiên tai lũ bùn đá hiện nay tại địa bàn nghiên cứu chủ yếu bao gồm: 1. Dự báo, cảnh báo; 2. Ứng phó, tìm kiếm cứu nạn; 3. Khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Tồn tại lớn nhất về dự báo và cảnh báo là không chính xác về địa điểm và thời gian phát sinh lũ bùn đá. Giải pháp sử dụng bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở tỷ lệ 1:50.000 mới chỉ phân vùng nguy cơ thiên tai trượt lở cấp huyện. Hiện nay chưa có bản độ cảnh báo riêng cho lũ bùn đá; chưa có hướng dẫn sơ tán chi tiế đến từng thôn, bản. Một số giải pháp công trình phòng chống trượt lở đất khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng, đường giao thông đã được áp dụng. Nhóm các giải pháp ứng phó, phòng tránh cần được đầu tư hơn nữa trong việc tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng nhận biết, ứng phó, thoát thân cho người dân thuộc các khu vực nguy cơ cao lũ bùn đá.

Nghiên cứu đã đề xuất định hướng các giải pháp phòng chống và giảm thiểu nguy cơ phát sinh lũ bùn đá. Các giải pháp được chia làm hai nhóm chính là giải pháp công trình và phi công trình.  Tuy nhiên các giải pháp cần làm ngay trước mắt gồm: Rà soát các điểm có nguy cơ cao phát sinh lũ bùn đá, trượt lở, sạt lở; Đánh giá mức độ an toàn chi tiết cho từng thôn, bản để tiến hành các giải pháp: sơ tán, di tán, xây dựng công trình bảo vệ, tập huấn cho cư dân kỹ năng nhận biết và ứng phó thiên tai. Xây dựng bản đồ xác định chi tiết các suối nguy cơ cao lũ bùn đá đi qua các khu dân cư, cơ sở kinh tế quan trọng. Trong đó chỉ rõ phạm vi ảnh hưởng và đường sơ tán, di tán nếu xảy ra thiên tai lũ bùn đá.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20216074-77/GGN 21-03-023)