Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng hiện trạng sử dụng và đề xuất giải pháp quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lí bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
12/05/16 04:35PM
Thủy lợi

Tên đề tài: Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng hiện trạng sử dụng và đề xuất giải pháp quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lí bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Tổ chức chủ trì: Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung

Cơ quan chủ quản: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi

Chủ nhiệm đề tài: TS. Hồ Minh Thọ

Các cá nhân tham gia đề tài: KS. Chu Quốc Ngọc, KS. Lê Thanh Cường, KS. Nguyễn Trung Phát, KS. Nguyễn Ngọc Trình, TS. Đỗ Văn Bình, ThS. Nguyễn Chí Nghĩa, KS. Nguyễn Thanh Bình

Thời gian thực hiện đề tài: 2012

 

Kết quả nghiên cứu:

            Đặc điểm địa chất thuỷ văn và tài nguyên nước dưới đất của huyện đảo Lý Sơn được đánh giá đầy đủ theo địa phận từng xã bao gồm: xác định các tầng chứa nước, diện tích phân bố, bề dày tầng chứa nước, thông số địa chất thủy văn của chúng. Trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất 26349 m3/ng với mođun tiềm năng trung bình 12,99 m3/ng/ha, trữ lượng khai thác dự báo 15626 m3/ng với mođun dự báo trung bình 7,71 m3/ng/ha. Về chất lượng nước dưới đất cơ bản đã xác định phân bố loại hình hoá học đặc trưng của vùng, đánh giá chất lượng cho các mục đích sử dụng khác nhau.

 Kết quả tính toán cân bằng nước tự nhiên giữa lượng mưa hiệu quả và bốc thoát hơi tiêu chuẩn của vùng nghiên cứu, cho thấy: Trong điều kiện tự nhiên từ tháng II đến tháng VIII-IX (gồm 8 tháng) là thiếu nước, còn từ tháng IX đến tháng I năm sau là đủ nước đối với các loại cây trồng và các nhu cầu khác. Kết quả tính cân bằng lượng nước khai thác sử dụng trên các xã An Hải và An Vĩnh đến năm 2015 và 2020 cho thấy: Về tổng thể thì cả 2 xã không thiếu nước suốt trong cả năm. Nhưng tính theo từng tháng thì đều thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, với tổng lượng nước thiếu hụt 275,42 nghìn mét khối, chiếm 28,2% so với nhu cầu nước, nhất là cho nhu cầu tưới về các tháng đầu năm. Riêng xã An Bình thì hầu như là thiếu nước nhất là về mùa khô.

            Để khai thác bền vững các nguồn nước dưới đất trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn cho các nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và dân sinh nói chung và tưới cho cây trồng chủ lực là hành, tỏi nói riêng thì chỉ có thể có 2 giải pháp: Hoặc là cung cấp thêm nguồn nước mặt từ hồ chứa Thới Lới, xây hồ chứa Giếng Tiền cho tưới và nhu cầu khác, hoặc là điều chỉnh quy hoạch giảm bớt diện tích cây trồng. Kết quả tính cân bằng nước bằng phương pháp giải tích khi có công trình khai thác đã xác định số lượng công trình khai thác trên vùng có triển vọng giàu nước 450 ha là 6 công trình lỗ khoan đạt tổng trữ lượng khai thác 900 m3/ng, với trị số hạ thấp mực nước đến năm 2020 vẫn nhỏ hơn mực nước hạ thấp cho phép.  Bổ sung nhân tạo trữ lượng nước dưới đất bằng giải pháp thu gom nước mưa vào các giếng đào của nhân dân, với giải pháp này hàng năm có thể bổ sung được 21094 m3/năm nước mưa cho nước dưới đất.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-Tomtat-baocaodieutradanhgiatruluong)