Hoàn thiện thiết kế, công nghệ và chế tạo hệ thống máy canh tác và thu hoạch cây sắn
28/11/19 09:52AM
Máy nông nghiệp

Tên dự án: Hoàn thiện thiết kế, công nghệ và chế tạo hệ thống máy canh tác và thu hoạch cây sắn

Thuộc chương trình: Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa

Tổ chức chủ trì: Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Hà Đức Thái

Các cá nhân tham gia dự án: TS. Lê Vũ Quân, TS. Lê Minh Lư, PGS. Đào Quang Kế, TS. Nguyễn Xuân Thiết, TS. Bùi Việt Đức, ThS. Lưu Văn Chiến, ThS. Hà Thanh Sơn, KS. Đào Quang Thành, KS. Vũ Văn Cương

Thời gian thực hiện: 4/2013-1/2016

Kinh phí thực hiện: 11.550 triệu đồng

 

Kết quả nghiên cứu:

Dự án đã lựa chọn, đề xuất nguyên lý cấu trúc, tính toán, thiết kế, chế tạo máy Xới - Phay cho phép máy khi làm việc phay nhỏ, trộn đều tàn dư thực vật tầng đất mặt độ sâu 15 cm có nhiều dinh dưỡng; xới sâu 25 cm phá vỡ tầng đất nền cứng thành tảng, tạo độ hổng trong đất để dự trữ nước mưa, dưỡng khí và cải tạo tầng đất nền để có nhiều dinh dưỡng cho củ sắn phát triển.

Nghiên cứu đã lựa chọn, đề xuất được nguyên lý, cấu trúc, tính toán, thiết kế, chế tạo máy liên hợp cắt - trồng hom sắn và máy Đào - Nhổ củ sắn.

Dự án đã lựa chọn cấu trúc, tính toán, thiết kế, chế tạo máy Xới – Bón phân có bộ phận xới liên kết đàn hồi với khung cho phép khi làm việc do lực cản đất lên lưỡi xới không đều tạo ra rung động làm tơi đất tốt hơn. Bộ phận vun luống dạng đĩa chỏm cầu điều chỉnh được bề rộng và lượng đất vun vào gốc cây sắn. Bộ phận bón phân loại vít xoắn có lưỡi rạch bón phân đi sâu vào tầng đất củ cho phép phân ít bị rửa trôi do nước và gió.

Các máy được ứng dụng trên mô hình 100 ha tại Phúc Thịnh, Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hệ thống máy làm việc đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đã đăng ký. Đặc biệt khi sử dụng hệ thống máy: chi phí lao động giảm 70%; chi phí sản xuất giảm 30%; thời gian làm việc nhanh, kịp thời vụ do vậy năng suất cây trồng tăng cao. Theo báo cáo của huyện Ngọc Lặc ban đầu cho thấy khi áp dụng hệ thống máy hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân 22 triệu đồng trên một ha.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- 2018-80.pdf)